Sát hại thuyền viên, ném xác xuống biển phi tang rồi hoang báo tin mất tích

(PLVN) - Trong lúc đánh bắt hải sản trên biển, 2 thuyền viên 10X đã hành hạ một thuyền viên khác đến tử vong. Sau đó, vì sợ trách nhiệm, chủ tàu đồng ý cho các đối tượng này ném thi thể nạn nhân xuống biển rồi hoang báo tin mất tích.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đông Hải lấy lời khai các ngư dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đông Hải lấy lời khai các ngư dân.

Từ bao đời nay, nghề đi biển vốn gian nan nguy hiểm, phải đối diện với bao khó khăn vất vả, tính mạng luôn phấp phỏm theo những tin báo bão bất chợt ập đến. Không chỉ vậy, đôi khi mối nguy còn đến từ chính người đang kề vai sát cánh với mình.

Giết bạn rồi ném xác phi tang

Ngày 6/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đỗ Quang Bình (18 tuổi), Nguyễn Văn Sinh (18 tuổi) về hành vi giết người và xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Cơ quan này cũng ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Hiếu (25 tuổi) để điều tra làm rõ về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Cả 3 bị can đều ngụ ở tỉnh Bình Định.

Thông tin ban đầu, vào tối 12/5, tàu cá BĐ 30653 TS hành nghề đánh bắt hải sản trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu do Hiếu làm thuyền trưởng và 5 thuyền viên, gồm: Bình, Sinh, ông Lê Văn Long (50, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), anh Phan Ngọc Anh Vũ (38 tuổi) và anh Phạm Thành (32 tuổi).

Trong quá trình đánh bắt hải sản, ông Long không làm việc nên bị Bình, Sinh nhiều lần dùng tay và dép đánh. Đến 23h cùng ngày, thấy ông Long tiếp tục không làm việc, Bình nắm cổ áo kéo ông này lên mạn trái tàu và đẩy xuống biển. Sau đó, ông Long được anh Vũ vớt lên tàu.

Đến khoảng 1h ngày 13/5, tất cả các thuyền viên khác đều tham gia đánh bắt hải sản nhưng ông Long kêu mệt nên không tham gia. Thấy vậy, Sinh nắm cổ áo kéo ông Long lên mạn tàu phải và đẩy xuống biển lần 2. Sau đó, ông Long được anh Vũ và Hiếu vớt lên đưa vào cabin nằm nghỉ.

Đến 4h cùng ngày, phát hiện ông Long tắt thở, Hiếu đồng ý để Bình và Sinh ném thi thể ông xuống biển. Đồng thời, nhằm trốn tránh trách nhiệm, Hiếu dùng bộ đàm thông báo cho các tàu trong khu vực báo tin giả rằng có thuyền viên rớt xuống biển mất tích.

Sau khi tàu cá cập vào bến ở TP.Vũng Tàu để bán hải sản, có thuyền viên đã trình báo vụ việc trên lên cơ quan công an. Nhận được tin báo, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ.

Trong một vụ việc khác cũng liên quan đến tính mạng của ngư dân khi làm thuê cho chủ tàu, khoảng 10h ngày 4/9, Đồn Biên phòng Đông Hải (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận) đã tiếp nhận 7 ngư dân được tàu cá NT 01982 TS do anh Hàn Phi (27 tuổi, ngụ thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) làm thuyền trưởng phát hiện và cứu vớt đưa vào bờ.

Theo anh Phi, vào lúc 8h cùng ngày, khi đang hành nghề khai thác hải sản trên vùng biển tỉnh Ninh Thuận, cách cảng cá Đông Hải 5 hải lý về phía Đông, anh phát hiện 7 ngư dân ôm tư trang cá nhân đang trôi dạt trên biển nên lập tức cứu vớt và đưa họ vào bờ.

Qua xác minh ban đầu, 7 ngư dân gồm các anh: Lê Văn Vẹn (37 tuổi), Nguyễn Văn Thọ (31 tuổi), Trần Trí Tông (26 tuổi), Trần Văn Đạt (25 tuổi), Huỳnh Văn Lý (25 tuổi), Nguyễn Minh Sang (23 tuổi) và Danh Đời (19 tuổi). Tất cả 7 ngư dân đều ngụ ở tỉnh Kiên Giang.

Các ngư dân cho biết, trước đó họ có quen một người đàn ông tên Dũng (khoảng 40 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) giới thiệu vào làm việc trên tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu với mức lương 20 triệu đồng/3 tháng/người. Toàn bộ tiền công đã được người nhà nhận trước khi họ ra biển.

Khoảng đầu tháng 6, tàu cá (không rõ số đăng ký) hành nghề giã cào cùng với 7 ngư dân trên xuất bến tại cảng Bến Đá (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến ngày 4/9, khi đi ngang qua vùng biển tỉnh Ninh Thuận thì 7 ngư dân đi trên tàu cá đồng loạt nhảy xuống biển cùng với tư trang cá nhân được gói buộc.

Các đối tượng Bình, Sinh và Hiếu (từ trái qua phải).
Các đối tượng Bình, Sinh và Hiếu (từ trái qua phải).

Theo các ngư dân, do đã hết thời hạn lao động như hợp đồng (chỉ trao đổi bằng miệng), họ yêu cầu chủ tàu cá đưa vào bờ. Tuy nhiên, chủ tàu không đáp ứng nên cả 7 người đồng loạt nhảy xuống biển.

Sau khi tiếp nhận Đồn Biên phòng Đông Hải đã bố trí nơi ăn, nghỉ cho 7 ngư dân. Sau khi khám sức khỏe, đơn vị đã tổ chức cho 7 ngư dân trở về với gia đình ở tỉnh Kiên Giang.

Người lao động trở thành nạn nhân

Từ bao đời nay, nghề đi biển vốn gian nan nguy hiểm. Khi lênh đênh trên biển, các ngư dân phải đối diện với bao khó khăn vất vả, tính mạng luôn phấp phỏm theo những tin báo bão và những mối nguy hiểm khác bất chợt ập đến. Do đó, hầu hết bạn biển đều đoàn kết. Họ vẫn thường bảo, có đi biển mới thấu câu “chung một con thuyền”.

Vậy mà, những thanh niên trai tráng tuổi 18 chỉ vì một người đáng bậc cha chú của mình mệt không làm được việc, họ sẵn sàng đánh đập rồi nhiều lần đẩy xuống biển cho đến chết. Còn chủ tàu vì sợ trách nhiệm mà đồng ý vứt xác bạn biển phi tang. Hành vi mất nhân tính của họ thật đáng lên án. Và chắc chắn những đối tượng này sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Nghề biển ngày càng yêu cầu người lao động có trình độ cao hơn nhưng nguồn cung lao động hạn chế, các chủ tàu phải bằng mọi cách tìm cho đủ thuyền viên. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều đối tượng dùng các chiêu dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép lao động đi biển.

Theo Trung tá Hoàng Trọng Hiệp - Phó Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đá (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện nay, tình trạng “cò” lao động nghề biển vẫn còn phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trên một phạm vi rộng.

Các đối tượng cầm đầu luôn ẩn mình để chỉ đạo các “chân rết” la cà bến xe, bến tàu. Chúng luôn nhắm vào những thanh niên mới lên thành phố tìm việc làm. Khi thấy “con mồi”, chúng tiếp cận, mồi chài, giới thiệu những công việc với mức thu nhập cao, làm việc nhẹ nhàng.

Khi con mồi sập bẫy, chúng đưa nạn nhân đến các địa phương ven biển, xa hàng trăm cây số bằng taxi hoặc xe ôm để giao cho các đối tượng cầm đầu đường dây. Tại đây, các nạn nhân phải ký vào giấy vay nợ của các đối tượng cầm đầu để có tiền trả khoản phí đi lại. Khi người lao động chống đối, liền bị đánh đập, sau đó bị đẩy thẳng xuống các tàu cá, bất chấp sức khỏe, khả năng chịu sóng gió, tay nghề… 

Nhiều người trong số họ trở thành những lao động đánh cá bất đắc dĩ. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến trong quá trình làm việc trên biển, không ít thuyền viên bị tai nạn. Cũng có nhiều trường hợp, sau những ngày đi biển cực nhọc đã phải nhảy xuống biển tìm cách thoát thân, hoặc liên lạc về gia đình cầu cứu.

Theo thống kê trong 2 năm 2017 và 2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận điều tra 311 vụ tai nạn trên biển làm chết 97 người và mất tích 113 người; giải cứu 13 thuyền viên bị cưỡng ép làm việc trên các tàu cá; bắt và khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi đánh nhau trên tàu cá làm chết 2 người. Đơn vị này cũng phối hợp với cơ quan chức năng bắt và khởi tố 2 đối tượng là “cò” lao động về hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Đọc thêm