Trăn trở về sự thật cái chết của Thượng sỹ CSGT

(PLO) -Vụ việc xảy ra đến nay cũng đã 7 năm nhưng nội tình diễn biến sự việc khiến chiến sỹ CSGT Nguyễn Văn Hoan hy sinh đêm 30/4 rạng sáng 1/5/2009 ấy vẫn luôn là nỗi trăn trở của những người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan…
Con thuyền – một phần hiện trường nơi anh Hoan tử nạn.
Con thuyền – một phần hiện trường nơi anh Hoan tử nạn.

Nửa đêm bắt cát tặc 

Với trọng trách chống cát tặc trên sông Thương do lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang giao phó, tổ công tác của anh Nguyễn Văn Hoan (SN 1984, lúc đó mang quân hàm thượng sỹ) cùng 3 đồng đội Hoàng Văn Hải, Tống Đức Tuấn, Tôn Văn An không quản ngại gian nan, phát hiện 3 thuyền khai thác cát trái phép thuộc địa phận xã Dương Đức, huyện Lạng Giang.

Sau khi báo cáo về lãnh đạo Phòng, tổ công tác được lệnh kiểm tra, bắt quả tang các thuyền khai thác cát trái phép, chờ các tổ công tác khác đến phối hợp xử lý. Kế hoạch chớp nhoáng, 4 trinh sát chia làm 3 mũi tiếp cận 3 tàu cát. Thấy lực lượng CSGT quá mỏng, nhóm cát tặc trên 3 thuyền (hơn 10 người) chống trả quyết liệt.

Tại thuyền thứ nhất do Nguyễn Văn Đoài là chủ đã bị anh Hải và Hoan bắt quả tang đang hút cát trái phép. Lúc này trên thuyền, ngoài Đoài còn có 4 đối tượng, sau này được cơ quan điều tra xác định gồm Nguyễn Văn Tưởng, Nguyễn Văn Thắng, Thân Văn Tin và Nguyễn Văn Hoa mở máy thuyền tháo chạy.

Anh Hải bắn 1 phát đạn chỉ thiên cảnh cáo, song Đoài vẫn giữ vô lăng và hô “Thằng nào lên chém chết”, buộc anh Hải phải bắn tiếp 2 phát đạn hơi cay vào buồng lái. Lập tức, Đoài từ trong buồng lái lao ra, cầm dao tấn công anh Hải, khiến anh ngã xuống sông, rơi mất khẩu súng hơi cay. May mắn sau đó, anh Hải bơi được vào bờ an toàn.

Còn lại một mình trên thuyền, Thượng sỹ Hoan bị Thắng cầm chiếc búa sắt dồn về phía đuôi thuyền. Tiếp đó, Tin chạy đến vung dao quát: “Mày muốn chết không”. Tay trắng Thượng sỹ Hoan tiếp tục lùi về phía đuôi thuyền.

Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Bắc Giang, lúc này Tin nhảy vào nắm vai anh Hoan, xô đẩy khiến cả 2 cùng ngã xuống sông. Khi Tin ngoi lên mặt nước thì thuyền cát đã chạy xa, Tin đành bơi vào bờ, đem dao về cất giấu.

Tại 2 thuyền còn lại, các đối tượng cũng chống trả làm các CSGT Tuấn, An ngã xuống sông. Sự việc xảy ra chóng vánh. Sau đó, lực lượng tăng cường của Phòng CSGT Công an tỉnh đến hiện trường, đưa 3 chiến sỹ Hải, Tuấn, An đi cấp cứu. Riêng cảnh sát Hoan, đến 7 giờ sáng cùng ngày, xác anh được đồng đội tìm thấy dưới dòng sông Thương.

Trước sự mất mát của anh Hoan, vụ án càng khẩn trương được điều tra. Và ngay trong ngày, 10 đối tượng trên 3 thuyền hút cát ra đầu thú, khai nhận hành vi chống người thi hành công vụ như trên.

Theo biên bản giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang kết luận nguyên nhân chết của thiếu úy Hoan do ngạt nước, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị truy tố 5 bị can về tội chống người thi hành công vụ, gồm Nguyễn Văn Đoài (SN 1974), Thân Văn Tin (SN 1980), Nguyễn Văn Thắng (SN 1989), Nguyễn Văn Bắc (SN 1976) và Nguyễn Văn Đức (SN 1968). 

Nỗi trăn trở mang tên sự thật

Trước kết luận của biên bản giám định và đề nghị khởi tố nêu trên, gia đình anh Hoan lại cho rằng anh đã bị các đối tượng dùng xẻng hoặc mái chèo đánh vào gáy, sau đó bị dìm chết.

Ông Thông, bố anh Hoan khăng khăng bản kết luận của Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang kết luận nguyên nhân chết của thiếu úy Hoan do ngạt nước là chưa khách quan với nghi vấn rằng anh Hoan là một chiến sỹ CSGT được đào tạo bài bản, bơi lội giỏi, do vậy mới được lãnh đạo Phòng CSGT giao nhiệm vụ đi chống cát tặc trên sông.

Nếu không vì bị đánh vào đầu dẫn đến choáng ngất trước khi ngã xuống sông Thương, không lý gì nạn nhân không bơi được vào bờ.

Để làm rõ khúc mắc ấy, vụ án được đưa ra điều tra lại. Việc thu thập lời khai không đủ khách quan bởi sự việc hỗn loạn diễn ra chóng vánh giữa đêm sông không trăng. Các bị can hoảng loạn tìm đường tháo lui, bản thân bị can Tin tiếp xúc cuối cùng với anh Hoan cũng không có ai theo dõi hay chứng kiến để có thể đối chất sự thật. Tất thảy trắng đen trông vào bản kết luận giám định pháp y của cơ quan chức năng…

Éo le rằng, trong hồ sơ có 3 bản kết luận giám định pháp y. Trong đó, bản giám định của Phòng Giám định Pháp y BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang và bản giám định của Viện Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an (đều do Cơ quan CSĐT Công an Bắc Giang trưng cầu giám định) thống nhất kết luận anh Hoan “chết do ngạt nước”.

Còn bản giám định của Viện Pháp y Quốc gia - Bộ Y tế (do gia đình anh Hoan yêu cầu giám định) lại kết luận anh Hoan “chết do ngạt nước, trên người có chấn thương sọ não”. Kết quả khám nghiệm tử thi ngày 1/5/2009 cũng thể hiện mặt trước hõm tai bên phải nạn nhân có vết rách da dài 0,2 cm có máu rỉ ra.

Kết luận trên dường như đã làm vụ việc đi theo một hướng mới. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định trưng cầu giám định và công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngày 4/7/2013, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký quyết định số 2360 thành lập Hội đồng giám định lại trên hồ sơ (lần thứ hai) gồm nhiều bên cùng tham gia như Viện Pháp y Quân đội, Giám định pháp y viện Khoa học hình sự và Viện Pháp y Quốc gia để xác định nguyên nhân chết của đồng chí Nguyễn Văn Hoan. 

Đến ngày 8/8/2013, Viện Pháp y Quốc gia - Bộ Y tế có bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 08/13/GĐPY - HS. Đáng chú ý, tại bản giám định pháp y lại lần thứ hai này, Hội đồng giám định của Bộ Y tế vẫn tái khẳng định: “Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho nạn nhân Nguyễn Văn Hoan là ngạt nước trên người có chấn thương sọ não”

Theo hồ sơ bản ảnh thể hiện có một lượng máu lớn ở khu vực xương sọ khi tiếp cận và mở hộp sọ. Hội đồng cho rằng đó là máu tụ. Ngoài ra, ở trong buồng tim cũng tìm thấy lượng máu vón cục nhiều hơn bình thường. Đây là một trong nhưng biểu hiện của việc suy hô hấp, nói cách khác là dấu hiệu của cái chết từ từ, có hấp hối, không phải là chết ngay. 

Đó là các căn cứ để hình thành nghi ngờ có va chạm, xô xát khiến một chiến sỹ công an to khoẻ, vạm vỡ ngất mà rơi xuống nước và chết ngạt. Ông Hồ Kim Châu, giám định viên Viện Pháp y Quốc gia cho biết thêm: “Vướng mắc nằm ở chỗ, trong hồ sơ không có bản ảnh khu vực gáy và vùng chẩm nên thiếu cơ sở mà gây nên tranh cãi. Tử thi nạn nhân cũng được khai quật nhưng khi đó dấu tích gần như không còn, khả năng làm rõ rơi vào bế tắc...”.

Mặc dù đã làm hết khả năng và trách nhiệm của mình nhưng trong tâm thức vị giám định viên này vẫn không thôi băn khoăn về sự thật cái chết của anh Hoan – nguyên Thượng sỹ Cảnh sát giao thông.

Ông không sao quên được hình ảnh người vợ trẻ bỗng thành goá phụ, đau đớn không cầm được nước mắt ôm chặt lấy cậu con trai đầu khi ấy mới 6 tháng tuổi chưa kịp nhớ mặt đã phải mồ côi cha...

Dừng lại rất lâu trước từng bản ảnh, giám định viên Hồ Kim Châu chậm rãi mà trầm ngâm: “Bản ảnh tuy rõ ràng nhưng không đầy đủ, toàn diện sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của bản kết luận. Giám định pháp y được xem là đường sáng khoa học, khách quan nhất giải quyết mọi uẩn khúc của sinh mệnh… vì thế, không thể chỉ bằng cảm quan và phỏng đoán mà bỏ sót dù là chi tiết nhỏ nhất…”

Đọc thêm