Vụ con kiện mẹ vì 2 sào lạc ở Hưng Yên: Thứ trưởng Bộ Công An chỉ đạo điều tra đúng pháp luật

(PLO) -Liên quan đến vụ việc, vợ chồng con trai cả kiện mẹ già vì thiệt hại hơn 2 sào lạc xảy ra ở xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Ban Nội chính và Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã có văn bản chỉ đạo làm rõ.
Thông báo của Công an tỉnh Hưng Yên.
Thông báo của Công an tỉnh Hưng Yên.

“Phải tiến hành điều tra đầy đủ, khách quan”

Theo cáo trạng ngày 25/1/2016 của VKSND huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), cách đây khoảng 10 năm, bà Nguyễn Thị Rộng (SN 1929, ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân) cho con trai là anh Chu Văn Hải và con dâu là chị Vũ Thị Én (ở cùng địa chỉ trên) thuê khoảng 720m2 đất ruộng ở cùng thôn để trồng cây nông nghiệp. Chị Én đã trồng lạc trên diện tích này.

Vì không muốn cho vợ chồng con trai tiếp tục thuê ruộng nên ngày 8/3/2015, bà Rộng đã đến nhà đưa cho chị Én 1 triệu đồng với ý định trả tiền lạc giống và công chăm sóc để đòi lại ruộng nhưng chị Én không nhận. Sáng 9/3/2015, bà Rộng có bảo con trai thứ là Chu Văn Quý đi thuê máy lồng để bừa ruộng lạc.

Khoảng 16h cùng ngày, anh Nguyễn Văn Tập (ở cùng xã Chí Tân) điều khiển máy lồng ra bừa theo chỉ đạo của bà Rộng. Ngày 13/11/2015, Cơ quan CSĐT Công an Huyện Khoái Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Hủy hoại tài sản, đồng thời tiến hành bắt tạm giam đối với anh Chu Văn Quý, cho tại ngoại đối với bà Rộng và anh Tập.

Việc cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án hình sự, bắt giam người đã khiến dư luận địa phương rất bức xúc, không đồng tình. Bởi lẽ, theo xác nhận của chính quyền địa phương, đại diện hợp tác xã nông nghiệp và đông đảo bà con nhân dân (với hơn 500 chữ ký trong đơn kiến nghị gửi Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình) thì thiệt hại của ruộng lạc nói trên chưa đến 2 triệu đồng (chưa tới mức khởi tố Hình sự).

Chẳng những không đúng về pháp luật mà vụ việc còn trái với đạo lý, trái với truyền thống đạo Hiếu của dân tộc. Bà Rộng nay đã gần 90 tuổi, sinh kế chỉ trông vào thửa ruộng. Vụ việc hoàn toàn đã có thể giải quyết trong phạm vi gia đình. Thế nhưng việc hình sự hóa vụ án đã làm cho mâu thuẫn gia đình đi quá xa, mẹ già phải ra trước vành móng ngựa, em trai bị tạm giam gần 3 tháng.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, nhóm PV đã vào cuộc làm rõ, chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình định giá tài sản. Thế nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Khoái Châu không biết có chịu “áp lực” nào không mà vẫn xử các bị cáo mức án từ 6-9 tháng tù treo. 

Bất bình trước bản án, các bị cáo đã có đơn kêu cứu, người dân địa phương cũng có đơn kiến nghị gửi các cơ quan trung ương và tỉnh Hưng Yên. Sau khi xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại. 

Đặc biệt, cấp phúc thẩm đã khẳng định: “Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Khoái Châu đã không sử dụng các biện pháp điều tra hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để làm rõ những chứng cứ xác định giá trị tài sản bị hủy hoại của vụ án”.

Ngày 22/11/2016, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hưng Yên đã có văn bản chuyển đơn phản ánh sai phạm trong quá trình điều tra vụ án của các bị cáo tới Viện KSND tỉnh Hưng Yên và đề nghị Viện KSND thông báo kết quả giải quyết về ban nội chính trước ngày 23/12/2016.

Mới đây, ngày 15/12/2016, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã có thông báo nêu rõ: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT – Công an huyện Khoái Châu phải tiến hành điều tra đầy đủ, khách quan các nội dung của vụ án trên theo đúng quy định của pháp luật”.

Huyện Khoái Châu “né” báo chí?

Cũng trong bản án phúc thẩm (đã có hiệu lực pháp luật) đã chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng của Hội đồng định giá (HĐĐG) tài sản huyện Khoái Châu về thành phần HĐĐG; Lời khai của ông Cường (có tên trong kết luận định giá) thể hiện không được tham gia HĐĐG; Sai phạm về biên bản định giá; Trình tự thực hiện việc định giá tài sản; biên bản không thể hiện kết quả khảo sát giá trị của tài sản và ý kiến của các thành viên HĐĐG và những người tham dự phiên họp định giá...

Điều 23, Nghị định 26/2006 quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự nêu rõ: “Thành viên của Hội đồng định giá tài sản do thiếu trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Điều đáng nói, PV đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Khoái Châu đề nghị làm rõ trách nhiệm của bà Trần Thị Thanh Hằng, trưởng phòng Tài chính huyện Khoái Châu – Chủ tịch HĐĐG tài sản Huyện Khoái Châu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời? Có hay không việc cố ý làm trái quy định của pháp luật? Giả mạo hồ sơ vụ án?

Về phía TAND huyện Khoái Châu, trao đổi với PV, thẩm phán Phạm Văn Huấn cho rằng, ông đã làm “hết trách nhiệm” vì “đã trả hồ sơ 2 lần nhưng viện KSND không bổ sung”. Thế nhưng trong bản án sơ thẩm lại không hề đề cập đến những thiếu sót của quá trình điều tra mà vẫn khẳng định “kết quả định giá là khách quan, đúng pháp luật”. Cấp sơ thẩm cũng không hề kiến nghị tòa cấp trên xem xét lại vụ án.

Dư luận cho rằng, sở dĩ vụ án bị Hình sự hóa là do HĐĐG tài sản đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, định giá sai so với thực tế. Các sai phạm này lẽ ra phải được Công an Huyện, Viện KSND, TAND huyện Khoái Châu phát hiện, sửa chữa nhưng tất cả đã “im lặng”. Vậy trách nhiệm của các cơ quan này đến đâu, báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục đề nghị làm rõ./.

Đọc thêm