Hỗ trợ 520.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nguồn lực lấy từ đâu?

(PLO) - Theo dự kiến, Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (NDNVV) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (QH) khóa XIV diễn ra vào giữa năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi, đặc biệt là tính khả thi do không đảm bảo nguồn lực hỗ trợ.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có trọng tâm. (Ảnh minh họa)
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có trọng tâm. (Ảnh minh họa)

Đối tượng hỗ trợ quá rộng

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV đã được đưa ra thảo luận tại tổ và tại hội trường ở Kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV. Qua thảo luận, các đại biểu (ĐB) đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật. Bởi, trong thời gian qua, DNNVV chiếm trên 97% tổng số DN ở nước ta hiện nay, đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Tuy nhiên, khi thảo luận ở các diễn đàn của QH, đa số các ý kiến còn tỏ ra băn khoăn ở nhiều vấn đề liên quan đến dự án luật này, đặc biệt là tính khả thi của nó. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng đối tượng áp dụng như quy định của Dự thảo Luật là quá rộng. “Số DN thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV quy định tại Điều 4 của luật này là khoảng 52.000 DN, chiếm trên 97% số lượng DN. Trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước hiện nay là có hạn, không thể hỗ trợ tất cả” – ĐB nhận định.

Bên cạnh đó, ĐB Bình cũng cho rằng Dự thảo Luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng có thể thấy việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính.

“Luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ DNNVV, điều này có vẻ hợp lý. Tuy vậy, sau đó Nhà nước lại phải hỗ trợ ưu đãi cho các ngân hàng, bởi nếu không thì họ không có nguồn lực đâu mà hỗ trợ cho các DNNVV khi bản thân ngân hàng cũng là một DN. Chính phủ phải quy định chi tiết các ưu đãi đó” – ĐB phân tích và cảnh báo ưu đãi như vậy rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong Luật Các tổ chức tín dụng. 

“Đọc thì hay nhưng không khả thi”

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tỏ ra không đồng tình với quy định về các quỹ hỗ trợ DNNVV như Dự thảo Luật. Dự thảo Luật quy định về 3 quỹ, trong đó có 2 quỹ đã được thành lập và đang hoạt động; đó là Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Dự luật quy định về loại quỹ mới là Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm Quỹ khởi nghiệp sáng tạo địa phương và Quỹ khởi nghiệp sáng tạo của tư nhân thực hiện chức năng đầu tư, tài trợ để hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo.

Cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH tuần qua, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn với các quy định về nội dung và chương trình hỗ trợ trong Chương 2 của Dự thảo Luật. “Luật là luật, không thể có chương trình. Đây là cái không ổn về kỹ thuật lập pháp. Về nội dung hỗ trợ, một luật mà “đẻ” ra 5, 6 loại quỹ là chưa ổn” – Chủ tịch QH nhấn mạnh và cho rằng với việc hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV nên cần tính toán nguồn lực hỗ trợ cho khả thi. 

Ngoài ra, bà cũng lưu ý việc Dự thảo Luật có quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho vay là sai cơ bản so với Luật Ngân sách nhà nước. Việc quy định hỗ trợ tài chính về thuế cũng sẽ “phá vỡ” hệ thống chính sách thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng không nên thành lập nhiều loại quỹ, bởi như vậy sẽ phân tán nguồn lực và khó khả thi.

Trong khi đó, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn chỉ rõ nhiều quy định trong Dự thảo Luật trên thực tế không có nhiều ý nghĩa. Ví dụ, Dự thảo Luật quy định HĐND các tỉnh tuỳ điều kiện ngân sách để quyết định hỗ trợ DNNVV, nhưng phần lớn các địa phương hiện còn phải chờ hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì lấy đâu ra nguồn để hỗ trợ. Hay về tham gia mua sắm công, theo Dự thảo Luật thì gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Gói thầu mua sắm hàng hoá có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu. 

Ông Phúc cho rằng quy định như thế chỉ cho “oai”, chứ đấu thầu gói xây dựng với số tiền chỉ 5 hoặc 3 tỷ đồng thì dù không quy định ưu tiên cho DNNVV thì các DN lớn cũng không để ý đến vì quá nhỏ. Không những thế, nếu quy định như vậy cũng không phù hợp với cơ chế thị trường và không đúng với quy định của Luật Đấu thầu. “Dự thảo Luật đọc thì hay nhưng không khả thi. Do đó nên nghiên cứu lại để ban hành đảm bảo khả thi. Cần đánh giá hết tác động, kẻo khi đưa ra thì tiền đâu mà làm!” – Tổng Thư ký QH cảnh báo.

Hỗ trợ phải có trọng tâm

Từ nhận định cho rằng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật quá rộng, các ĐB QH đề nghị cần quy định về việc hỗ trợ DNNVV một cách hợp lý. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị soạn luật theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, xác định những DN phù hợp như DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành… đáp ứng tiêu chí là DN có tiềm năng để ưu tiên hỗ trợ chứ không thể hỗ trợ tràn lan.

Đồng quan điểm, ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) cho rằng không nên đưa ra các chính sách kiểu hỗ trợ cào bằng, rải đều một cách chung chung mà Dự luật nên thiết kế giao cho Chính phủ xem xét, lựa chọn nhóm, ngành, DN có tiềm năng phát triển, có nền tảng và cơ bản có khả năng tham gia hoặc sẽ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, phù hợp với kế hoạch dịch chuyển cơ cấu các cấp và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt thích ứng với xu hướng phát triển của nền công nghiệp lần thứ 4 để hỗ trợ. 

Nhất trí với các quan điểm phải lựa chọn các nhóm DN để tập trung ưu tiên hỗ trợ, ĐB Thạch Phước Bình cũng đề nghị cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ DN theo hướng thay vì Nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó thành DN cần cái gì thì hỗ trợ cái đó sẽ phù hợp hơn.

Đọc thêm