Hỗ trợ Lao động khó khăn do COVID-19: Xem xét bổ sung gói 26.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đợt dịch COVID-19 (từ 27/4) khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động lao đao, khốn đốn và dự kiến sẽ có gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lên tới 26.000 tỷ đồng…
Hỗ trợ Lao động khó khăn do COVID-19: Xem xét bổ sung gói 26.000 tỷ đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Dự thảo Nghị quyết này thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Đối với nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do. “Nghị quyết phải kịp thời hiệu quả, đúng đối tượng, minh bạch, đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân và thực tế không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình. Thủ tướng cũng yêu cầu, các Bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở trong nước. Từ ngày 27/4 đến nay, đã phát hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương, diễn biến dịch phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến nhiều doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không, giải trí… An sinh xã hội của một số bộ phận người dân trở nên khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế.

Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào 3 nhóm chính: các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội; hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại.

Trước đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thông tin, có đến gần 10 triệu người lao động đã, đang và sẽ bị tác động bởi COVID-19, trong đó có hơn nửa triệu lao động đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm, trên 19% cơ sở sản xuất, kinh doanh và trên 2% hợp tác xã đã bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hồi tháng 4/2020, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất, được Chính phủ ban hành Nghị quyết 42, với tổng kinh phí lên tới 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020. Sau một thời gian gấp rút triển khai, đã có trên 13 triệu người được hưởng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với tổng kinh phí trên 13.000 tỷ đồng, trong đó có trên 1 triệu lao động tự do (trên 1.000 tỷ đồng). Trên 37.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ (gần 38 tỷ đồng)...

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định 1022/QĐ-TTg ngày 30/6 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Quyết định nêu rõ, bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

Trong đó: 5.100,517 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH ngày 18/5/2021 và 2.550,259 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vaccine, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vaccine phòng Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.

Đọc thêm