Hóa giải bất hòa

(PLVN) - Với sự tham dự trực tiếp của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vào cuộc gặp vừa rồi của Nộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO, và sự tham dự trực tuyến của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hội nghị cấp cao tới đây của Liên minh châu Âu (EU), chính quyền mới ở Mỹ tiếp tục dùng hành động cụ thể để khẳng định và thực hiện chủ ý “Đưa nước Mỹ trở lại” với thế giới. 
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Sau dự định đưa nước Mỹ tham gia trở lại những tổ chức, thể chế, định chế, khuôn khổ diễn đàn và hiệp ước đa phương quốc tế, việc cải thiện quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống quan trọng lâu nay của Mỹ ở châu Âu là nội hàm với ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của chủ ý nói trên của ông Biden. 

Ông Biden gọi đấy là “làm sống lại” mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ trên thế giới nói chung, đặc biệt ở châu Âu. Thời Tổng thống Donald Trump ở Mỹ, mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác này bị tổn thương nghiêm trọng. Ông Trump đã khiến các đồng minh và đối tác kia hoài nghi sâu sắc về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khối phương Tây và về cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO.

Vì thế, mọi động thái từ phía chính quyền mới ở Mỹ đối với các đồng minh và đối tác này trong thời gian vừa qua đều nhằm hóa giải mối bất hòa, khắc phục bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích, khôi phục sự nhất trí giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác kia, xua tan mọi hoài nghi và lo âu của họ cũng như gây dựng lại sự tin cậy của họ vào Mỹ. 

Nếu như chỉ có cứ nói ra ý định là xong việc thì Mỹ đã thành công với chủ ý hóa giải bất hòa, trên danh nghĩa và thể hiện ra bên ngoài thì có thể nói là như vậy. Nhưng trong thực chất thì việc hóa giải bất hòa với các đồng minh và đối tác hiện mới chỉ được bắt đầu mà quá trình này rồi đây sẽ kéo dài bao nhiêu lâu và liệu Mỹ có thật sự thành công hay không thì lại là chuyện khác. 

Các đồng minh và đối tác kia của Mỹ hiện vẫn có không ít lý do xác đáng để nghi ngại và dè chừng. Ở nước Mỹ cứ 4 năm một lần có bầu cử Tổng thống và nếu như ông Biden không tái đắc cử trong cuộc bầu cử tới ở nước Mỹ vào năm 2024 và người kế nhiệm lại không cùng quan điểm chính trị như ông Biden thì mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác này lại có thể không hữu hảo nữa. Các đồng minh và đối tác này hài lòng về sự chủ động hòa giải của ông Biden nhưng vẫn thủ thế chờ đợi những bước đi tiếp theo của chính quyền của ông Biden đối với họ.

Trong thực chất, bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản giữa hai bên không dễ nhanh chóng có thể được khắc phục. Trên nguyên tắc, Mỹ cùng hội cùng thuyền với NATO trong chính sách đối với Nga và Trung Quốc, nhưng đâu có phải tất cả các thành viên NATO đều nhất nhất theo Mỹ mà đối địch Trung Quốc và Nga. 

Mỹ và nhiều thành viên lớn của EU xung khắc lợi ích quyết liệt trong vấn đề EU hợp tác với Nga xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 mặc dù đồng hành với nhau trong chuyện trừng phạt Nga về tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga. Trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran nói chung và số phận của thỏa thuận về giải pháp đã có được cho vấn đề hạt nhân của Iran nói riêng cũng tương tự như vậy.

Mỹ hòa giải với các đồng minh trong NATO nhưng không nhờ thế mà mối quan hệ đầy khúc mắc giữa Mỹ và Nato với Thổ Nhĩ Kỳ, hay bất hoà giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng đâu phải có được triển vọng giải pháp khả quan. Ông Blinken đến NATO và kêu gọi đoàn kết thống nhất nhưng lại gặp gỡ riêng 3 nhóm phái khác nhau trong nội bộ NATO.

Đúng là chính quyền mới ở Mỹ quyết tâm khôi phục lại quan hệ hợp tác bình thường với các đồng minh và đối tác ở châu Âu trong NATO và EU, nhưng trong NATO và giữa Mỹ với EU vẫn còn đầy rẫy vấn đề nan giải khiến cho Mỹ tuy trở lại nhưng NATO và EU vẫn giống như kẻ bị ốm chưa khoẻ lại.