“Việc công chứng, chứng thực hợp đồng… được thực hiện theo nhu cầu của các bên…”. Thoạt nghe, có vẻ quy định này là giảm bớt thủ tục hành chính cho dân. Theo tâm lý thông thường và cũng là thực hiện mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính như hiện nay thì “giảm được cái nào tốt cái đó”. Nhưng, đối với công chứng (là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch…) mà theo nhu cầu (tức là không bắt buộc) sẽ nguy hiểm vô cùng.
|
Quy định công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà đất hiện đang được ghi nhận trong Luật Đất đai hiện hành. |
Với mặt bằng dân trí hiện nay, quy định bắt buộc chưa chắc người dân đã chấp hành (bằng chứng là rất nhiều vụ Tòa án phải giải quyết vì là hợp đồng mua bán trao tay, không công chứng, chứng thực, không sang tên, chuyển nhượng..).
Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, lợi dụng sự ít hiểu biết, chủ quan của người dân thông qua mua bán trao tay mà hiện tượng lừa đảo diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Không được công chứng, một mảnh đất, một ngôi nhà có thể bán cho nhiều người, rồi người ta có thể mạo danh những người khác trong gia đình để ký tá văn bản mua bán… Đơn giản vì không có ai “chứng” cái việc mua bán ấy là đúng hay sai, cái người đứng ra giao dịch đó có bị tâm thần không, có đúng người đó không hay là người khác…
Bỏ thủ tục công chứng, có ý kiến trù liệu sẽ “tiềm ẩn mất ổn định trong người dân”. Điều này cũng dễ hiểu vì đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị rất lớn thì không thể vô tư mua bán, tặng cho… mà không cần có cơ quan nhà nước nào chứng nhận. Cũng do là tài sản có giá trị lớn nên thực tế nhiều người đã dùng 1001 mưu kế để biến hóa nó thành của mình, điển hình là các vụ án lừa đảo liên quan đến đất đai thời gian qua
Cũng không thể hình dung các loại hợp đồng giao dịch nhà đất mua bán trao tay cứ thế thẳng tiến đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xin cấp giấy chứng nhận. Cán bộ văn phòng sẽ xử lý ra sao khi tất cả thông tin cũng như giấy tờ trong hồ sơ đó chưa được ai kiểm chứng về tính hợp pháp trong khi chức năng nhiệm vụ của họ cũng “có hạn”?. Liệu có cơ quan nào dám ký cấp giấy khi mà đến những thông tin tối thiểu như người mua/bán đó có đủ năng lực hành vi dân sự hay không cũng không biết.
Hay như ngành Tòa án, khi các giao dịch ngầm bằng hình thức trao tay vẫn còn phổ biến thì việc giải quyết các tranh chấp này với họ như một “gánh nặng” khủng khiếp. Đơn giản không có công chứng, chứng thực thì Tòa án sẽ không có căn cứ pháp lý để xem xét nội dung, tính xác thực của hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng công chứng có giá trị chứng cứ không phải chứng minh. Khi Tòa án xét xử những tranh chấp về hợp đồng của các bên, đối với những hợp đồng đã công chứng thì việc xét xử sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Thực tế hiện nay, quy định công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà đất hiện đang được ghi nhận trong Luật Đất đai hiện hành. Tương tự như vậy, Luật Nà ở hiện hành cũng quy định các trường hợp mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn, đổi nhà ở… cũng phải được công chứng.
Các quy định này đã thể hiện tính phù hợp trong quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở hiện hành, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, không có lý do gì để “bãi” quy định này khi nó đang phát huy những tác dụng tích cực trong đời sống.
Nói như vậy để thấy rằng, không phải thủ tục nào cũng là “rào cản”. Có những rào cản nhằm kiểm chứng, thanh lọc để loại bỏ những bất hợp pháp thì đó là những rào cản rất tốt, rất cần thiết. Không những tốt cho người dân mà tốt cho cả các cơ quan nhà nước khi có một người làm nhiệm vụ “gác cổng” như công chứng.
P.V.