Mặc dù đã thức đến nửa đêm để thưởng thức những màn pháo hoa sôi động của đội Hoa Kỳ, cái chất lãng mạn, trữ tình, đằm thắm của đội tuyển Pháp, cũng như chờ đợi giây phút hồi hộp nghe kết quả Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2010, nhưng ông Lê Hải, ở tổ 46, phường Thanh Bình, quận Hải Châu cũng cố gắng dậy sớm từ 5 giờ sáng, quần áo chỉnh tề nhập vào “đoàn quân” tiến về Sân vận động Chi Lăng để dự ngày hội lớn-Ngày hội cả thành phố náo nức Lễ mít-tinh và diễu binh, diễu hành trọng thể kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.
Các Cựu chiến binh Tiểu đoàn Hải Đà vượt hàng ngàn cây số để tham dự lễ mít-tinh tại Đà Nẵng. |
Giữa cái lạnh sau một đêm mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhưng trong lòng ông già 82 tuổi ấy vẫn nao nức một niềm vui thúc giục, như mới ngày nào ông còn trai tráng, gia nhập vào đoàn quân cách mạng. Ông cười hồ hởi, như thấy mình trẻ lại, cùng vui trong niềm vui rộn ràng của hàng vạn người đổ về trên khắp nẻo đường phố Đà Nẵng đang bừng bừng khí thế ngày mới-một ngày 29-3 mà cách đây 35 năm ông đã từng chứng kiến.
Đúng 7 giờ! Thật trang nghiêm và long trọng khi hàng vạn người cùng hướng về lá cờ Tổ quốc, hướng về cái sắc đỏ thắm của quốc kỳ đã nhuốm máu đào của bao anh hùng liệt sĩ, của bao người dân cho một nền độc lập tự do và toàn vẹn nước nhà. Trong đó, có cả những giọt máu của những chiến sĩ hy sinh cuối cùng trong chiến thắng ngày 29-3 lịch sử-chiến thắng làm nên một trang mới của Đà Nẵng sau bao nhiêu năm nằm dưới ách đô hộ và xâm chiếm của ngoại bang.
Những dòng hồi ức như cuồn cuộn chảy trong ông, theo từng lời diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. “Có đi theo cuộc kháng chiến, có cùng trong đoàn quân những ngày giải phóng đó, mới thấy hết sự bồi hồi xúc động khi đứng trong ngày lễ trọng thể hôm nay, mới thấy hết khí thế hào hùng trong bài diễn văn đó. Nhưng tôi vẫn thích nhất cái đoạn nói về lòng dân. Lãnh đạo Đảng, chính quyền vẫn thấy được lòng dân, không chỉ trong thời chiến tranh, mà cả trong xây dựng thành phố hôm nay. Đó là điều quý nhất. Quý nhất bởi chính lòng dân, sự đồng thuận trong dân đã làm nên sự đổi thay kỳ diệu của Đà Nẵng mình”-Ông Lê Hải tâm sự.
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, người đứng trong đội hình diễu hành của Hội Cựu chiến binh thành phố không nén những cảm xúc rạo rực khi chứng kiến những chiến sĩ lực lượng vũ trang hôm nay, khỏe mạnh trong trang phục chỉnh tề diễu binh qua lễ đài. Ông hồi hộp nhớ lại cái thời khắc cách đây 35 năm, vào lúc 3 giờ chiều ngày 29-3, ông cùng đồng đội trong Ban Quân sự thành phố hành quân theo hướng quận Ba, tiến thẳng vào tiếp quản Tòa Thị chính lúc này đã do lực lượng biệt động thành chiếm giữ. Ông là một trong số những người lính chính quy bồng súng giữ thành Đà Nẵng 2 ngày.
Ông nhớ lại cảnh đường phố rải đầy trang phục, súng đạn của những đoàn lính ngụy thất trận bỏ lại trên đường tháo chạy. Ông nhớ lại cái cảm giác bồi hồi, xúc động khi vượt qua bao nhiêu ngày gian khổ để đứng gác hiên ngang giữa lòng thành phố, được đắm mình trong ánh điện đô thành mà mới đêm nào đây thôi, anh em háo hức ngóng chờ ngày về giải phóng. Ông xúc động tâm sự khi nhìn những chiến sĩ hôm nay uy nghiêm trong trang phục sáng láng và khuôn mặt rạng ngời: “Ngày đó, thiếu thốn bao nhiêu thứ, trong lòng chỉ có một niềm tin và nghị lực kiên cường để vượt qua gian khó, quyết tâm đánh địch đến ngày toàn thắng. Hôm nay được đứng đây để nhìn lớp cháu con lớn lên, thành “Bộ đội cụ Hồ” oai nghiêm, mạnh mẽ như thế này lòng mình vui lắm!”.
Không vui sao được, khi diễu qua trước mặt ông cùng hàng vạn con mắt chứng kiến, không chỉ là lực lượng vũ trang hùng hậu, mạnh mẽ, mà là lớp lớp quần chúng-những người đã tạo thành sức mạnh kiên cường làm nên chiến thắng năm nào. Những con người đại diện cho một Đà Nẵng hôm nay được học tập, rèn luyện và được tạo điều kiện để cống hiến công sức dù là nhỏ bé của mình vào những bước chuyển mới của thành phố, góp từng bàn tay, khối óc tạo nên những diện mạo hoành tráng cho đô thị hiện đại, văn minh. Những bàn tay, khối óc đó cộng với lòng dân vĩ đại, đã tạo nên những đường nét, vóc dáng mới của một Đà Nẵng “vươn tới những tầm cao”, được thể hiện qua hình ảnh đoàn xe hoa của các khối ngành, đoàn thể diễu hành qua lễ đài rồi tỏa đi khắp các ngả đường chính của thành phố, như mang niềm vui sau 35 năm đi san sẻ khắp mọi nhà…
Có mặt trong ngày hội lớn của Đà Nẵng, là những Cựu chiến binh của Tiểu đoàn Hải Đà-đơn vị được thành phố Hải Phòng kết nghĩa thành lập và gửi vào cho Đà Nẵng anh em những ngày khói lửa ác liệt năm 1974. Ông Đinh Văn Bình, nguyên Trung đội trưởng B1, C3 tâm sự: Không ngờ, 35 năm sau ngày cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng, chúng tôi lại được trở về chính mảnh đất này để chứng kiến sự thay da đổi thịt, sự vươn lên mạnh mẽ của thành phố anh hùng. Những người con của Hải Phòng như chúng tôi tự hào về điều đó, về thành phố kết nghĩa anh em!
Bừng bừng khí thế trong ngày vui chung, hàng nghìn sinh viên, học sinh và học viên quân sự tái hiện một chặng đường vẻ vang nhưng cũng không ít đau thương, mất mát, từ trong khói lửa đạn bom để trưởng thành của Đà Nẵng hôm nay qua phần đồng diễn nghệ thuật “Đà Nẵng-Bản anh hùng ca”. Từ trong đau thương, Đà Nẵng đứng lên, đi đầu chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, đến khi ca “Khúc khải hoàn tháng Ba”, “Đà Nẵng quê ta ơi hôm nay giải phóng rồi”.
Hàng vạn người cùng hòa chung nhịp vỗ tay như sống lại cái thời khắc lịch sử, để từng con tim cùng nhịp đập rộn ràng. Chuyển từ khí thế hào hùng với màn trình diễn mạnh mẽ thể hiện ý chí quật cường của người Đà Nẵng, với dải lụa xanh, các thiếu nữ thể hiện hình ảnh một dòng sông Hàn xanh mát, dịu dàng chảy giữa đôi bờ thành phố từng ngày đổi thay, thể hiện hình ảnh một “Đà Nẵng rạng rỡ những mùa hoa” trong khí thế tươi vui, phấn khởi. Để từ đó, với một “Đà Nẵng cất cánh bay lên”, kết lại phần đồng diễn là một hình ảnh mặt đất tỏa hương, tạo nên những mùa hoa từ lòng người, để một Đà Nẵng “vươn tới những tầm cao”, tự tin, mạnh mẽ bước vào giai đoạn mới.
Diễn ra trong khoảnh khắc 2 tiếng rưỡi đồng hồ, Lễ mít-tinh, diễu binh và diễu hành kỷ niệm trọng thể 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng đã tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử. Chất hào hùng đó đã tiếp lửa cho một Đà Nẵng hôm nay mạnh mẽ hơn, năng động hơn và sáng tạo, để xây dựng một thương hiệu Đà Nẵng từ chính lòng dân, sự đồng thuận của nhân dân.
Bài và ảnh: ANH QUÂN