Những ngày cuối thu xao xác lá thường gợi cho bao người những hoài niệm. Và có một không gian như thế, về một thời gian khó trên con phố nhỏ tĩnh mịch ven hồ Trúc Bạch. Những tấm biển “ưu tiên thẻ thương binh”, “đóng cửa kiểm phiếu”, cuốn sổ gạo.... đều dạt dào thương nhớ với những ai từng đi qua nó.
Những ngày cuối thu xao xác lá thường gợi cho bao người những hoài niệm. Và có một không gian như thế, về một thời gian khó trên con phố nhỏ tĩnh mịch ven hồ Trúc Bạch. Những tấm biển “ưu tiên thẻ thương binh”, “đóng cửa kiểm phiếu”, cuốn sổ gạo... đều dạt dào thương nhớ với những ai từng đi qua nó.
|
Hình minh họa |
Ngập tràn kí ức
Đó là con phố nhỏ Nam Tràng lãng đãng và yên tĩnh tới lạ lùng- có một cửa hàng trông rất lạ mắt với tấm biển “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” và chiếc xe đạp cổ màu xanh dựng trước cửa. Không gian quán với mái ngói cấp 4, tường quét vôi thô càng đậm chất hoài niệm bởi những vật dụng dùng để trang trí quán đều rất đỗi thân thương mang hơi thở một thời gian khó.
“Bao cấp” là từ dùng để chỉ giai đoạn lịch sử từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 của thế kỷ trước. Hàng hóa không được mua bán, trao đổi trực tiếp trên thị trường mà được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu. Để sở hữu được sản phẩm được cung cấp, người dân phải xếp hàng từ tờ mờ sáng có khi tới cả ngày mới tới lượt mình.
Cửa hàng khá nhỏ, sâu nhưng rất ấm cúng. Những nhân viên phục vụ mặc bộ đồng phục áo trắng phin nõn hệt như các cô mậu dịch viên thời xưa, đứng ghi tem phiếu bán hàng. Những vật dụng giản dị như bình bi đông, đôi dép bọt, dép đúc Trung Quốc, mũ kè, nón lá, viên gạch... đều trở nên sống động hơn. Ngay cả bộ bàn ghế cũng được sáng tạo từ chân máy khâu cũ.
Đặc biệt bộ ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước được họa sỹ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền từ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển và tặng lại cho chủ quán. Và nữa, những tấm biển “Cấm chen ngang”, viên gạch, viên đá… ghi tên người xếp hàng khiến nhiều thực khách không khỏi bật cười và bùi ngùi xúc động.
|
Những vị khách bồi hồi về một thời để nhớ của mình |
Anh Phạm Quang Minh, chủ cửa hàng tâm sự, thực ra ước mơ về một cửa hàng ăn uống mậu dịch của anh đã ấp ủ từ lâu lắm rồi nên rất nhiều vật dụng thời bao cấp anh đã sưu tầm về để chờ có cơ hội thực hiện. Thế rồi, tìm được không gian này thực sự hấp dẫn anh bởi đúng chất một Hà Nội xưa. Anh nói: “Mình là con út trong nhà nên luôn được lĩnh nhiệm vụ đi xếp hàng ở phố Nhà Thờ. Có những lần đợi cả nửa ngày mới đến lượt khi nhận hàng chỉ là con cá mục bé bằng hai ngón tay. Những kỷ niệm thời thơ ấu luôn khắc sâu trong tâm trí. Chính vì thế, dù đã mở hai cửa hàng ăn khá lớn nhưng mình vẫn luôn ấp ủ mở một cửa hàng ăn mậu dịch”.
Tuy nhiên, mở cửa hàng là một chuyện, để có đầy đủ vật dụng của thời đó lại không đơn giản chút nào. Chỉ vào các bảng hiệu treo trong quán, anh Minh tiết lộ thêm: “Tất cả đều được kẻ bằng tay cho thật giống ngày xưa. Riêng chiếc ti vi đen trắng đặt trước quầy hàng là vật dụng khó tìm nhất, người ta có thể giữ dải tem phiếu lại nhưng mấy ai giữ chiếc ti vi kềnh càng này. Vất vả lắm mình mới tìm ra được đấy”.
Đặc biệt hơn cả là hòn đá xếp hàng của nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Xuân Hải, dịch giả của bộ truyện “Tây du kí”. Chiếc bình đông của nhà văn Hải Hồ do chính con trai ông đem tặng lại quán, chiếc ca nhôm đựng bút vẽ của họa sĩ Lê Thiết Cương cũng được trưng bày trong tủ kính. Hay chiếc xe Vĩnh Cửu đời cuối năm 60 của thế kỷ trước do bạn anh là nhà sưu tập xe cổ nổi tiếng Vinh Tân Đảo tặng...
Ngoài một số đồ anh lưu giữ được, anh phải săn lùng khắp nơi, nhiều người nói anh “điên” vì cứ đi tìm đồng nát để hỏi mua những đồ cũ đã bỏ hơn 20 năm nay. Để sưu tầm được nhiều đồ dùng thời bao cấp, có những thứ anh mua với giá khá cao. Chiếc quạt tai voi này anh đã phải bỏ ra 1,2 triệu đồng để được sở hữu. Có lần anh định mua đôi dép đúc Tàu ở phố Lê Duẩn nhưng bị “hét” tới 20 triệu đồng nên đành ngậm ngùi về tay không. May mắn, một vị thiếu tá quân đội nghe chuyện đã tặng anh 2 đôi dép. Rồi bát sứ đơn sơ thời đó anh chỉ mua được một bộ duy nhất để làm mẫu và phải đặt hàng khá kì công...
Món ăn thương nhớ
Thực đơn quán có nhiều món ăn đặc biệt, đậm chất “mậu dịch” xưa cũ, ít có ở Hà Nội hiện nay như: cơm độn khoai, nem mậu dịch, cá khô mậu dịch, dưa xào tóp mỡ, cơm cháy mậu dịch, rau củ luộc chấm sốt mậu dịch, cơm rang mậu dịch, salat mậu dịch...
Ngay như món dưa chua xào tóp mỡ giờ cũng rất hiếm có bởi hầu như chẳng nhà nào dùng mỡ rán lấy tóp nữa, thay vào đó là dùng dầu ăn. Hay món cơm độn khoai cũng là một món ăn lạ với nhiều người hiện nay. Còn nhớ những năm tháng đó, khi gạo thiếu, phải độn thêm khoai, thêm sắn cho nồi cơm đầy. Bố mẹ thường nói làm như vậy cho cơm thêm thơm và thường nhường cơm cho con cái.
Những đứa con vài bữa đầu còn “tranh” khoai, sắn với bố mẹ. Rồi sau đó lại thèm cơm... Và nếu ngày xưa, những món ăn trên đều có giá rất rẻ và thường là do các gia đình tự sáng chế như canh dưa lạc giã, canh rau muống lạc giã... Thì nay, để được thưởng thức, bạn phải trả số tiền trung bình từ 40.000-60.000 đồng/món.
Khách đến quán có khá nhiều đối tượng, nhưng đông hơn cả vẫn là những người lớn tuổi. Có cụ bà 82 tuổi dắt tay người con 60 tuổi đến nhìn ngắm đồ vật rưng rưng cảm động. Nhiều cụ khác thì được các con giới thiệu và mời tới quán. Có cụ đã tới rồi, lần sau lại mời thêm vài người bạn già tới để chia sẻ. Và dường như ai cũng có ý thức nếu như trong nhà mình còn sót vật gì đó thời bao cấp đều mang tới tặng chủ quán như một nơi lưu giữ kỉ niệm. Nhiều cụ già tìm đến quán chỉ là để ngắm nhìn lại những vật dụng cũ. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về một thời với bao nỗi niềm thương nhớ.
Và nữa là những bạn trẻ tìm đến cửa hàng mậu dịch vì tò mò muốn biết xem thế hệ ông bà, bố mẹ mình đã sống “thời tem phiếu” như thế nào. Nhiều vị khách nước ngoài cũng đến để tìm hiểu một thời bao cấp và thưởng thức món ăn quê miền Bắc.
Nhìn chiếc tivi cửa lùa hiệu National từng là tài sản lớn trong gia đình mà chỉ có những nhà có điều kiện mới mua được, một vị khách bồi hồi: “Nhớ mãi, thời đó mỗi tối thứ bảy lại tập trung đến nhà nào có tivi để xem phim Trên từng cây số”. Anh Phạm Quang Minh nhớ rõ hơn về “thời tem phiếu”: “Tiêu chuẩn cho mỗi công nhân đi làm chỉ được 4m vải/năm. Nếu được tiêu chuẩn 3 lạng thịt thì nhiều người đổi lấy sườn hay thịt thủ để được thành 6 lạng. Gạo chỉ được đong theo tiêu chuẩn nên cơm thường phải độn thêm mì và ăn cơm với bo bo, khoai, sắn là rất phổ biến”.
Dường như là vậy, đó là một không gian hoàn toàn của hoài niệm mà ai đã đi qua đều bồi hồi thương nhớ, để biết quý giá hơn cuộc sống đủ đầy hôm nay. Và thời đó, dù cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng lại không thiếu sự chân thành và tình cảm đong đầy trong mỗi người…
Miên Thảo