Tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều qua, 29/6, ông Tiến cho biết, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP đề cập đến 6 nội dung quan trọng và cũng là những vướng mắc hiện nay, đó là sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại DN khác; quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác; quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác: quy định về trích Quỹ đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp; quy định về xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được; quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước...
“Đây là những vấn đề thực tế đang vướng mắc mà Nghị định 91/2015/NĐ-CP chưa đề cập đến hoặc chưa có hướng dẫn. ..” - ông Tiến nói.
Đơn cử như việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại DN khác, lần này quy điịnh rõ: Việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành; không thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần,vốn góp của Nhà nước quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; chuyển nhượng vốn DNNN đầu tư ra ngoài phải gắn với đề án tái cơ cấu DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trên cơ sở đề án tái cơ cấu DNNN chung do Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng giai đoạn...
Vấn đề được nhiều DN quan tâm hiện nay là việc xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác. So với quy định của Nghị định 91/2015/NĐ-CP, quy định mới tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê vào giá khởi điểm vì người sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê có các quyền đầy đủ như đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự thảo lần này cũng quy định việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được thực hiện thông qua DN có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, việc sử dụng giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định tại Nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn....
Đặc biệt, khi sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác Bộ Tài chính cũng hướng dẫn rất cụ thể trường hợp: Đối với chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN tại công ty cổ phần đã niêm yết cổ phiếu hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; Đối với chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong mỗi trường hợp lại đưa ra các tình huống cụ thể...
Tương tự, về xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được, dự thảo cũng quy định cụ thể trường hợp thành công thì xử lý như thế nào, không thành công xử lý như thế nào...
“Do vậy, các DN chiếu theo hướng dẫn này để áp dụng đối với trường hợp của mình. Cho nên không thể nói là chưa có hướng dẫn để trì hoàn...” - ông Tiến khẳng định...
Được biết, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP nằm trong kế hoạch triển khai quyết định 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016- 2020” của Bộ Tài chính.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, với những điểm đổi mới cơ bản như vậy, sau khi Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác đảm bảo hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại DN...
Tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa đang rất chậm
Trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) DNNN 6 tháng đầu năm, ông Tiến cho biết, nếu xét về số lượng thì so với mục tiêu 108 DNNN phải cổ phần hóa trong 5 năm (mỗi năm khoảng 20 DN) thì nhìn chung là “ổn”, nhưng so với tiến độ đề ra là chậm.
6 tháng đầu năm, tình hình CPH và thoái vốn đều không đạt, mới chỉ có 19 DN phê duyệt phương án CPH, so với năm trước là chậm, kể cả thoái vốn. “Một phần DN nói là do Nghị định 91/2015/NĐ-CP không rõ, nhưng nguyên nhân chính là tư tưởng ỷ lại, chần chừ, né tránh trách nhiệm của lãnh đạo DN…” - ông Tiến khẳng định.
Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định không có gì mâu thuẫn giữa thoái vốn và đầu tư vốn bởi thoái vốn cũng là biện pháp để đầu tư có hiệu quả…