Hoàn thiện luật để phát huy nguồn lực đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách đây gần 10 năm, ngày 31/10/2012, Hội nghị TW6 (Khóa XI) có Nghị quyết số: 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hoàn thiện luật để phát huy nguồn lực đất đai

Một năm sau, ngày 29/11/2013, kỳ họp thứ 6 (Quốc hội 13) thông qua Luật Đất đai 2013.

Việc Trung ương ra Nghị quyết về đất đai, càng cho thấy vị trí đặc biệt của đất đai và quản lý đất đai. Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2013 cho thấy để phát huy giá trị của đất đai, hành lang pháp luật về đất đai ngày càng phải hoàn thiện.

Không có lĩnh vực nào luật sửa đổi nhiều như đất đai. Ngay Luật Đất đai 2013 mới qua gần 10 năm đã lộ rõ nhiều nội dung chồng chéo với các luật khác như Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.

Rất dễ hiểu, vì sao từ năm 2016 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo về sửa đổi Luật Đất đai. Những nguyên nhân yếu kém cách đây 10 năm, Trung ương nhận định vẫn còn tồn tại.

Đó là: Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật có liên quan chưa nghiêm. Công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn kém hiệu quả; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế; một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng.

Việc nhiều cán bộ cao cấp ở nhiều địa phương dính vào lao lý, từ trước đến nay, có nguyên nhân liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai. Trung ương xác định tập trung chỉ đạo khẩn trương tiến hành tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW. Đồng thời, mới đây, ngày 1/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Thực tiễn về quản lý về đất đai đặt ra nhiều vấn đề mới cần được xem xét, giải quyết, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo thống nhất, khoa học, khẩn trương. Luật Đất đai giữ một vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và thay đổi nhưng bất cập chính là tạo đột phá trong cải cách thể chế.

Đọc thêm