Bên cạnh việc ca từ nhạc trẻ than thở khóc lóc vì thất tình, chen lẫn tiếng nước ngoài vô lối góp phần giết chết tiếng Việt, không ít ca khúc nhạc trẻ hiện nay có những đoạn nghe xong, người nghe rất hoang mang, bối rối vì không hiểu tác giả muốn nói gì. Hãy nghe Trần Anh Khôi trong bài "Teen vọng cổ" nói: Nói chung là yêu đó, mà đó phải là yêu không, mà sao vắng anh thì buồn... Cũng tác giả này, trong bài "Teen vọng cổ 2" thì: Hay nhìn đồng hồ để rồi... khi gặp anh, cứ dông dài lòng vòng là sao ta, làm sao, làm sao ấy... Người nghe đến đây cũng chẳng biết phải làm sao luôn!
|
Khi bài "Teen vọng cổ" đầu tiên ra đời, không ít khán giả trẻ "khoái chí" vì nó là lạ ngồ ngộ khi phối hợp giữa nhạc pop và vọng cổ nhưng cũng hơi choáng với vài đoạn khó hiểu. (trong ảnh là Vĩnh Thuyên Kim đang biểu diễn ca khúc "Teen vọng cổ") |
Vẫn là Khôi, đến bài "Vọng cổ geisha" thì người nghe hoàn toàn bó tay, đúng thật là "hiểu chết liền" với đoạn ca từ này: Anh mang chiếc phone gì nè...! Ðôi giày mà anh thường mang không biết nó tên gì... Ôi làn da của anh ta nói nó đen sì à!... Khi bài "Teen vọng cổ" đầu tiên ra đời, không ít khán giả trẻ "khoái chí" vì nó là lạ ngồ ngộ khi phối hợp giữa nhạc pop và vọng cổ nhưng cũng hơi choáng với vài đoạn khó hiểu. Chính vì vậy mà khi tác giả thừa thắng xông lên viết tiếp loạt "vọng cổ" như trên vừa đề cập thì đúng là... đánh đố người nghe! Không thuộc trường phái đánh đố nhưng ca từ nhảm nhí, tối nghĩa chính là ca khúc "Da nâu" của Nhật Ðăng - bài hát được các bạn trẻ bình chọn là thảm họa V-pop 2009. Bài hát chỉ có mấy từ lặp đi lặp lại: Em sống trong khát khao, em sống trong ước ao, mang đến những ước ao mang đến những khát khao làn da nâu... "được" chọn là thảm họa ca nhạc, tác giả Nhật Ðăng và Phi Thanh Vân vẫn làm tiếp tập 2 của "Da nâu", lần này ca từ có dài hơn nhưng vẫn khó hiểu: Da nâu, em sống trong khát khao. Da nâu, em sống trong ước ao...
|
Phi Thanh Vân gắn liền với ca khúc "Da nâu" của Nhật Ðăng |
Cùng "phe nhăng nhít" với những bài "Da nâu" là bài "Bata" của tác giả Lê Huy Trực: Ðôi chân nhỏ xinh, mang đôi giày cao... chẳng thích đâu. Ði xe đạp teen hay chơi thể thao... ây da... lắm khó khăn. Ghé qua chợ đêm... mua đôi giày xinh... dáng trông thật xinh... Một bài hát để ca ngợi đôi giày Bata được sáng tác theo đơn đặt hàng của một hãng giày Bata chăng? Những khúc tình ca của nhạc trẻ nhiều lúc cũng rối rắm, chẳng hiểu nổi. Ví dụ như bài "Ðừng yêu em" của Chương Ðức: Nếu không yêu còn vương vấn, vấn vương làm chi. Gợi nhớ yêu thương tựa cơn gió thoáng qua được gì... Và bài hát có cái tên toàn số 2-1=0 mới đúng là đỉnh cao của sự đánh đố: Giờ lòng anh bỏ rơi tình em để hôm nay chẳng còn ai chỉ mong em có thể nói lời tha thứ. Bài học kia anh sẽ mang sẽ nhớ trong tim suốt đời 2-1 chỉ bằng 0 thôi... Cũng có những bài hát không khó hiểu nhưng nghe ra thì cứ như một gã nào đó lẩm bẩm lầm bầm giữa chợ hơn là ca từ: Em hỏi anh có xe tay ga, ngố lắc đầu không. Em hỏi anh có căn hộ chung cư, ngố lắc đầu không. Thế anh có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, ngố ý àh ồ không... (Chàng ngố không biết gì - Hồ Duy Minh).
|
Lâm Chấn Huy trong bài "Thế mà lại hay" cũng nói loanh quanh vòng vo rối rắm và khó hiểu |
Còn Nguyễn Duy Bằng trong bài "Ông xã em number one" thì mới thật kỳ lạ khi cho "anh" đi câu thế này: Anh đi suốt đêm nay, bơi xuồng ra tận đầm sâu. Anh câu cá ba sa, chơi vài con cá trê già. Anh mang về cho vợ anh chơi... Người chơi cá?! Ta thật sự không hiểu tác giả muốn nói gì. Lâm Chấn Huy trong bài "Thế mà lại hay" cũng nói loanh quanh vòng vo rối rắm và khó hiểu: Thế mà lại hay hên xui mà lại hay. Yêu đại một người thế mà tình lại hay. Tình đắm tình say bền lâu hay đổi thay... Những bài hát vừa kể chỉ là một số ít trong rất nhiều ca khúc nhạc trẻ có ca từ rối rắm tối nghĩa đang góp mặt trên thị trường âm nhạc hiện nay. Không chỉ là việc dùng sai từ, sai ngữ nghĩa, một số tác giả thậm chí không cần đếm xỉa đến việc ý nghĩa câu trước "đá nhau" với câu sau làm người nghe như lạc vào mê hồn trận. Tiếng Việt vốn giàu đẹp bởi sự đa thanh, đa nghĩa. Nay với các ca từ như trên vừa nêu, chẳng biết những thính giả, khán giả trẻ thấy được gì ở tiếng Việt ngoài sự rối rắm, tối nghĩa và đành phải thốt lên: Ôi, ca từ nhạc trẻ... Hiểu chết liền!
Theo Tuổi Trẻ