Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Câu ca xưa chỉ Nghệ An đã đẹp. Cái đẹp của một bức tranh dưới cây cọ thiên nhiên hữu tình! Giờ đây, trong công cuộc đổi mới, xứ Nghệ càng đẹp hơn bởi có thêm những công trình kiến trúc hiện đại. Riêng khu di tích Hoàng Trù và Làng Sen - nơi ghi dấu những năm tháng đầu đời vị Cha già kính yêu của dân tộc- Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong làng, trong xóm, vẫn bình dị với vẻ đẹp nguyên sơ như cách đây hơn 100 năm về trước. Đó là cảm nhận của tôi khi trở lại đất Nghệ vào mùa hè năm nay.
|
Trong đoàn người hành hương về quê Bác, tôi đứng cạnh một cụ bà chừng 70 tuổi đến từ tỉnh Hưng Yên. Cũng như tôi, bà chăm chú lắng nghe từng lời thuyết minh từ chị hướng dẫn viên xinh đẹp. Chị nói xong, bà vẫn chưa tin. Bà đi vòng quanh nhà cụ Hoàng Đường- ông ngoại của Bác Hồ, ngắm nghía mãi chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông… trong ngôi nhà song thân Bác Hồ, rồi thảng thốt kêu lên: “ Ô, tất cả chỉ có thế này thôi sao?”. Rồi bà chấm nước mắt, như thể chưa thôi thắc mắc, rằng: Một nếp nhà nghèo đến vậy, đơn sơ đến vậy lại sinh ra một bậc anh hùng, một con người mà cả dân tộc mãi mãi ghi ơn!
Sự ngạc nhiên của bà cụ thực ra là cảm xúc của nhiều người khi trực tiếp nhìn thấy điều mà mình từng được nghe bấy lâu. Quả vậy, những hiện vật, cảnh trí ở di tích Hoàng Trù cho thấy xứ Nghệ xưa nghèo lắm. Cái nghèo được sách xưa mô tả thế này: Khi thế kỷ 19 đã bước đi được chín phần mười thời gian, một làng Chùa ( tức làng Trù) và phần làng Sen người dân vẫn chưa thoát khỏi cái cảnh sớm khoai, chiều cháo. Đàn bà với cái mấn nâu tẩm bùn, chiều dài chỉ đủ buông xuống nửa cổ chân. Đàn ông thì phần đông là thường phải đóng khố thay quần. Sự đô hộ tàn bạo của chủ nghĩa thực dân lại được áp đặt lên cái xã hội thô lậu đó làm cho đời sống quần chúng cần lao càng bị bó buộc, cơ cực. Ai cũng cố gắng hết sức, nhưng cuộc sống vẫn cơ hàn nên cứ phải đầu tắt mặt tối, khiến cho phổ hệ của nhiều dòng họ, thậm chí lai lịch của nhiều gia tộc cũng bị lãng quên. Ấy vậy mà một tuổi thơ rất lận đận của Bác Hồ khởi nguồn từ quê cha, đất mẹ cơ cực ấy,.Theo các tài liệu tôi đã đọc, mặc dù sống trong tiếng ầu ơ của mẹ, trong gia đình có 4 anh chị em - chị Nguyễn Thị Thanh, anh Nguyễn Sinh Khiêm và em Nguyễn Sinh Xin- song Bác có một tuổi thơ chịu đựng quá nhiều biến cố. Kể từ khi sinh ra 1890 đến năm 1911, khi Bác đi tìm đường cứu nước, cậu bé Nguyễn Sinh Cung chỉ có 3 năm ở Hoàng Trù, trong ngôi nhà tranh 3 gian nằm ở góc vườn phía tây nhà ông bà Hoàng Đường là nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Lên 5 tuổi, năm 1895, Nguyễn Sinh Cung đã cùng cha mẹ và anh trai vào Huế lần đầu tiên. Năm 1901, mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi. Rồi đến cái chết của người em trai bé bỏng Nguyễn Sinh Xin ( sinh ở Huế) vì thiếu sữa mẹ. Trở lại Nghệ An cùng cha trước khi vào Huế lần thứ hai sau này, Người cũng chỉ có 6 năm sống tại quênội Làng Sen ( từ 1901-1906) mà thôi!
Như vậy, nếu cái nghèo sản sinh ra sự vĩ đại, thì bản thân di tích Hoàng Trù - Làng Sen đã là một câu chuyện chứa đựng những ngạc nhiên rất thú vị rồi. Về một sự vĩ đại sản sinh từ một thực tế lam lũ, bần hàn có thể cắt nghĩa bằng một trong những đặc trưng cơ bản nhất của người xứ Nghệ là bên cạnh sự nghèo vẫn coi trọng sự học mà cụ Nguyễn Sinh Sắc là một tấm gương. Ở đây, người Nghệ An từng lưu truyền về tinh thần ham học của cụ: “Vì không có điều kiện học, nên cậu phải học mót, tức nghe lỏm người ta mà học và nhờ người khác bày hộ khi chăn trâu cắt cỏ”. Còn với người dân làng Sen, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, được nhà vua ban áo mũ và biển Ân tứ ninh gia (tức là gia đình vui nhận được ơn của vua ban), họ đã cắt ra một khoảnh đất bốn sào 10 thước làm vườn và mua từ làng Xuân Lam một ngôi nhà gỗ 5 gian về dựng lên để tặng gia đình ông Phó bảng.Về phần mình, trong nhà thờ họ Hoàng ở Hoàng Trù, cụ Sắc không quên để trên bàn thờ vợ - bà Hoàng Thị Loan tấm biển vua ban có 4 chữ kia, xem như vinh hoa này có công lao lớn của bà. Đây cũng là những bằng chứng thể hiện truyền thống hiếu học, khí chất của người Nghệ An nói chung và của gia đình Bác nói riêng. Cũng chính khí chất “kẻ sĩ thời loạn” của cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc và một nếp nhà coi trọng sự học làm người đã ảnh hưởng to lớn đến tâm thế Nguyễn Tất Thành. Ngay khi tuổi thiếu thời mất mát như vậy, nhưng cũng như cha, Nguyễn Tất Thành không khi nào xao nhãng việc học. Năm 1906, Người học ở Trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, rồi trường Quốc học Huế năm 1907. Và sự học còn để lại cho đời sau những câu đối thoại vô cùng chí lý giữa Bác và người cha yêu quý, như lời kể của chị thuyết minh mà tôi ghi được:“Vào một buổi sáng cuối mùa Xuân năm 1911, Nguyễn Tất Thành dáng thư sinh trong bộ áo quần người thợ đến gặp cha ở Sài Gòn ( lúc này cụ Nguyễn Sinh Sắc làm nghề bắt mạch, kê đơn thuốc ở hai hiệu thuốc lớn, tối về nghỉ ở chùa Linh Sơn). Người cha hỏi: Con đến đây làm gì? Nguyễn Tất Thành cung kính trả lời: Dạ, con đến tìm cha!. Người con định trình bày anh đến tìm cha để chào tạm biệt. Với cái nhìn đầy trìu mến và tấm lòng tâm huyết, người cha nói: Nước mất thì đi tìm hồn nước, chứ công chi mà phải tìm cha”. Và Người đã đi tìm hồn nước như lời cha dạy trong buổi gặp gỡ cuối cùng ấy. Ngày 5- 6- 1911, Nguyễn Tất Thành 21 tuổi, lấy tên Văn Ba nhận làm phụ bếp trên con tàu biển Lamira La Tútsơtrêvin của hãng Vận tải hợp nhất đại dương sang Pháp, mở đầu chặng đời tìm đường cứu nước - một hành trình ra đại dương với“ Sóng bạc đầu chưa biết về đâu/ Nhìn mặt nước Bác biết ngày mai trời nổi gió” như nhà thơ Chế Lan Viên viết sau này
Chị thuyết minh nói rằng: Từ năm 2003-2010 Nghệ An đã khởi động dự án tu bổ di tích Kim Liên với tổng diện tích 216 ha sau khi quy hoạch, bao gồm khu di tích Hoàng Trù 17 ha, khu di tích làng Sen 23 ha, khu mộ bà Hoàng Thị Loan 48 ha, núi Chung 128 ha…Nghĩa là nếu đi hết cụm di tích này, cũng phải mất ngày, mất buổi. Nhưng mới chỉ ở Hoàng Trù và Làng Sen thôi, đã thấy rõ không khí sinh hoạt, nét văn hóa xứ Nghệ đậm đà trong nếp nhà thưở nào. Từ hàng cây xén bằng làm bờ dậu có từ năm 1950, đến cây mít sau nhà cụ Hoàng Đường hơn trăm tuổi, từ cái màn, cái bếp kiềng nhỏ bé, cái khung cửi dệt lụa, những vật dụng bằng các nguyên vật liệu truyền thống tre nứa, rạ rơm…đơn sơ thôi nhưng đầy ắp hơi thở của ký ức, của cội nguồn quê hương mà ở đó, vai trò gia đình quan trọng đến nhường nào. Đúng như giới sử học nhận định: “ Gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc là một tế bào đặc biệt thăng hoa của xã hội Việt Nam thời cận hiện đại, trong đó mỗi thành viên là một cuộc đời phong phú và là một nhân cách cao thượng. Những con người ấy với mức độ khác nhau đã có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của nhân loại: Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Và Hoàng Trù- Làng Sen cũng chính là nơi hun đúc chí lớn của một Con Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đời sau luôn khắc ghi công ơn trời biển... ./.
Anh Thơ