Tháng 7, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố kết quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Những con số cho thấy, lợi nhuận của ngành ngân hàng khá khả quan. Điều này cho thấy, hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động ổn định, hiệu quả và an toàn hệ thống.
Lợi nhuận từ tín dụng tăng
Vietcombank và Vietinbank vừa công bố những khoản lợi nhuận khá lớn trong 6 tháng đầu năm. Vietcombank đạt 2.146 tỷ đồng, Vietinbank đạt hơn 2.662 tỷ đồng và các khoản lợi nhuận này này chưa bao gồm lợi nhuận của các công ty con và công ty liên kết. Một số ngân hàng có quy mô trung bình cũng có những khoản lợi nhuận ấn tượng như ABBank đạt 354 tỷ đồng, HDBank 132 tỷ đồng, LienVietbank 350 tỷ đồng. Ngân hàng nhỏ như Trustbank lãi hơn 70 tỷ đồng…
Trên địa bàn thành phố, mặc dù hoạt động ngành ngân hàng có nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy, hầu hết chi nhánh đều có số thu lớn hơn chi. Giám đốc BIDV Hải Phòng Phạm Thị Minh cho biết, năm nay, do chênh lệch đầu vào, đầu ra không cao nên ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán trong nước và quốc tế, ATM, phí bảo lãnh…Chênh lệch thu lớn hơn chi 6 tháng đầu năm của BIDV Hải Phòng đạt 62 tỷ đồng, trong đó 70% từ thu dịch vụ. Agribank Hải Phòng có số thu lớn hơn chi 62 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ 10,5 tỷ đồng. Eximbank Hải Phòng đạt lợi nhuận 9,7 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro. Các ngân hàng mới đi vào hoạt động như Vietnam Tinnghia bank Hải Phòng bước đầu đủ bù đắp chi phí và bắt đầu có lãi…
Điểm chung trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng là thu từ hoạt động tín dụng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước và vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng, trừ một số ngân hàng nhà nước do đi đầu thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về lãi suất cho sản xuất, kinh doanh nên lợi nhuận từ dịch vụ lớn hơn từ tín dụng. Mức lợi nhuận khả quan từ hoạt động tín dụng trong những tháng đầu năm là nhờ được áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay. Bên cạnh đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng bằng VNĐ của các ngân hàng thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại rất cao, thu nhập từ lãi của các ngân hàng nhìn chung là khả quan.
|
Ngân hàng giao dịch tại Sacombank Hoa Phượng |
Đẩy mạnh cho vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố 7 tháng qua tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay bằng VNĐ tăng 28%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 9,3%. Đây cũng là mức tăng khá cao so với nước và cả thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh (dư nợ cho vay tăng trưởng 11,3%). Điều này cho thấy, các ngân hàng có thể tận dụng nguồn thu từ hoạt động tín dụng. Trong những tháng cuối năm, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về giảm lãi suất huy động vốn và cho vay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát cao, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng có thể giảm sút. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh huy động vốn và cho vay, đồng thời tăng các nguồn thu từ dịch vụ, ngân hàng vẫn có thể tăng chênh lệch thu- chi. Nhiều ngân hàng có chính sách hướng mạnh về cho vay tiêu dùng như Seabank, Techcombank, SHB, Sacombank, Habubank, ACB Hải Phòng…nhằm có nguồn thu đầu ra lâu dài và ổn định. So với cho vay sản xuất, kinh doanh, cho vay tiêu dùng theo cơ chế thỏa thuận, không bị khống chế lãi suất có mức chênh lệch đầu vào, đầu ra lớn hơn. Mặt khác, nhu cầu vay tiêu dùng trong dân khá lớn nhưng mức độ tiếp cận của các ngân hàng còn hạn chế do các thủ tục hành chính rườm rà. Nếu cải tiến các thủ tục, cho vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Đây cũng là nguồn thu chính của các ngân hàng trên thế giới, vấn đề là có biện pháp quản lý hiệu quả để hạn chế rủi ro.