“Mẹ ơi! Hôm nay con và bạn đánh nhau. - Sao bạn lại đánh con? -Tại con đánh bạn trước. - Vậy sao con đánh bạn? - Bạn bảo con không có bố. À, mà sao con không có bố hả mẹ? - Lúc con vừa chào đời, bỗng nhiên bố nhận được một chiếc hộp bốc mùi trách nhiệm. Bố rất sợ cái mùi này nên đã ra đi. - Chỉ vì sợ một chiếc hộp mà bố bỏ đi thì thật ngu ngốc mẹ nhỉ? - Ừ, mẹ cũng nghĩ như con vậy”.
Đó là đoạn hội thoại giữa người mẹ trẻ và cậu con trai đang học lớp một trong bộ phim nước ngoài được phát trên kênh truyền hình kỹ thuật số. Sau bộ phim này, tôi chuyển kênh và gặp tình huống tương tự trong một bộ phim Việt. Có điều, cách xử lý của hai bà mẹ hoàn toàn khác.
Cô bé về nhà mếu máo kể lại những điều không hay giữa cha và mẹ mà em nghe được từ người lớn. Ngay lập tức, người mẹ giơ bàn tay lên định tát vào mặt con một cái cho bỏ thói hỗn hào, miệng quát tháo: “Ai nói với con như vậy? Trẻ con thì biết gì chuyện người lớn chứ hả?”.
Đó là cảnh trong phim, nếu ở ngoài đời, trong hoàn cảnh như trên, nhiều khả năng cô bé đã bị một cái tát thực sự kèm tiếng chửi mắng không ngớt, đại loại như: Có im ngay không hả. Mày không lo ăn học mà suốt ngày xen vào chuyện người khác. Hoặc chí ít cũng là: Đồ con nít ranh!...
Từ hai bộ phim, có lẽ chưa thấm vào đâu để suy luận về sự giáo dục trẻ em giữa hai nền văn hóa khác nhau. Song, nó đã thể hiện phần nào khá chân thực cách mà chúng ta đang đối xử với trẻ em và những điều mình cần học hỏi để làm tốt hơn vai trò của một người lớn. Tôi rất thích cái cách người nước ngoài lắng nghe trẻ con nói (cả ngoài đời lẫn trên phim). Họ chăm chú nghe với ánh mắt tập trung và thái độ trân trọng tiếp nhận từng ý kiến của trẻ nhỏ. Và gần như trong mọi tình huống, họ cố gắng trả lời, giải thích chân tình như đang chuyện trò với một đối tượng cùng trang lứa.
Ở ta, không ít lần tôi chứng kiến ông bà, cha mẹ hay những người lớn khác nghe ý kiến của các em chỉ để cho vui và thích thì trả lời, không thì thôi, hoặc nói qua loa cho có. Đặc biệt, cái gì người lớn không dạy bảo được thì cấm cho xong. Người lớn còn hay hứa lèo, trốn tránh những đòi hỏi chính đáng của các em. Chúng ta thường dạy trẻ con phải biết tôn trọng người khác. Nhưng sẽ là vô dụng nếu từ bản thân người lớn không biết điều chỉnh sự tôn trọng đối với trẻ em.
Đừng vội trách trẻ em Việt Nam rụt rè, ít thể hiện cá tính, sự tự lập, ít mạnh dạn bộc lộ tiếng nói, quan điểm cá nhân. Xin nhớ rằng, từ nhỏ, khi định nói lên vấn đề gì, các em đã lo sợ không biết người lớn có trả lời lại bằng câu quen thuộc: “Con nít thì biết gì mà nói”!
Nghị Văn