Học online thời COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Học trực tuyến giải quyết được các vấn đề về giáo dục trong thời gian dịch bệnh nhưng cũng phát sinh nhiều mặt trái đáng lo ngại.
Học online trong thời gian dài có thể khiến các em căng thẳng và mệt mỏi.
Học online trong thời gian dài có thể khiến các em căng thẳng và mệt mỏi.

Trải qua gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hình thức học trực tuyến dần trở nên quen thuộc và có thể coi là sự lựa chọn tối ưu cho việc giảng dạy trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, học online vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến giáo viên và phụ huynh không khỏi lo lắng.

Nỗi lo học đối phó

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Sở Giáo dục - Đào tạo tại nhiều tỉnh, thành đã quyết định cho học sinh trên địa bàn tạm ngưng việc đến trường, quay lại áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến tại nhà. Theo đó, một bộ phận các em học sinh có xu hướng mở máy học chỉ để đối phó với giáo viên và phụ huynh chứ không thực sự chú ý vào bài học.

Trao đổi với phóng viên, chị L.P.H.A (trú tại phường Đúc, TP. Huế) có con gái đang học lớp 7 cho biết, thời gian học online cũng tương tự như thời gian học ở trường nhưng có hôm con chị chỉ mở máy điểm danh rồi ngủ tiếp. Chị L.P.H.A phải nhắc nhở và thúc giục nhiều lần, cháu bé mới ra bàn học trong tình trạng ngái ngủ. “Nhiều lúc con bé còn vừa học vừa nhắn tin với bạn chứ không hề tập trung vào bài giảng của cô giáo, giờ nghỉ giữa tiết cũng không chuẩn bị sách vở cho môn học tiếp theo. Tôi nói nhẹ nói nặng đều có nhưng còn phải đi làm, không thể bên cạnh nhắc nhở nó từng chút một được, hỏi con có hiểu bài không thì nó gật đầu vậy thôi”, Chị A thở dài lo lắng.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử và điện thoại thông minh trong thời gian dài dễ “dẫn lối” các em học sinh vào con đường nghiện game, nghiện phim, từ đó không làm bài tập hoặc ôn bài cũ. Vậy thì kiến thức mà thầy cô giáo truyền đạt, các em học sinh có thể tiếp thu được bao nhiêu phần?

Một phụ huynh khác đã phát hiện cậu con trai đang học lớp 6 của mình thường xuyên gửi bài tập, bài kiểm tra cho người quen giải giúp mặc dù các kiến thức này con đã được học. “Ban đầu con chỉ hỏi vài câu khó nhưng càng ngày nó càng lười làm bài tập, hôm kiểm tra giữa kì nó gửi luôn cả đề thi qua nên dì nó đã gọi điện báo cho tôi biết.” Chị này chia sẻ rằng, con trai chị suốt ngày chơi game và rất ít khi ngồi vào bàn học hoặc không thấy cháu bé ôn bài hay chuẩn bị bài mới. Chị có nhắc nhở nhưng cháu bé chỉ vùng vằng ra bàn học ngồi tầm 20 phút rồi lại vùi đầu vào điện thoại.

Học sinh nhờ người giải bài tập qua tin nhắn.

Học sinh nhờ người giải bài tập qua tin nhắn.

Tồn tại nguy cơ hạn chế phát triển tâm lý ở trẻ

Giáo dục trực tuyến đang là giải pháp tối ưu để duy trì việc học tập của các em trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên các chương trình học trực tuyến bắt buộc học sinh phải ngồi trước máy tính hoặc điện thoại trong thời gian dài, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em.

Thay vì trước đây, trong môi trường học trực tiếp, học sinh được trao đổi với giáo viên, làm bài tập nhóm với bạn bè, giờ giải lao được nghỉ ngơi, thoải mái chơi đùa… thì bây giờ, các em chỉ có thể làm bạn với chiếc máy tính. Môi trường học tập tại nhà quá tẻ nhạt và cô đơn dễ làm các em học sinh hình thành tâm lý buồn chán, ngại tiếp xúc, thiếu cởi mở. Thậm chí nhiều em chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, khiến càng bị áp lực, căng thẳng và mất động lực học tập.

TS. Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, cho biết: “Đối với học sinh, những tác động của giãn cách xã hội dẫn đến việc tương tác với thầy cô và bạn bè bị hạn chế. Các hoạt động trong ngày của trẻ dần trở nên đơn điệu, lặp lại, chủ yếu là việc học bị bó hẹp trong không gian kín, dẫn đến nguy cơ xuất hiện nhiều vấn đề tâm lý.” Theo đó, các vấn đề tâm lý hướng nội phổ biến nhất là hiện tượng stress, lo âu, trầm cảm. Ở phương diện hướng ngoại là các hành vi bộc phát như cáu gắt với người thân, lầm lì không muốn giao tiếp hoặc thụ động, tư duy kém.

Cần gia tăng sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Trong thời gian giãn cách xã hội, những cảm xúc tiêu cực mà trẻ em gặp phải là điều không thể tránh khỏi. Do đó, bên cạnh ý thức của trẻ thì sự phối hợp từ phía thầy cô và phụ huynh cũng rất quan trọng, giúp cân bằng và hạn chế tối đa những tác động không tốt của việc học online kéo dài đến sức khoẻ và quá trình học tập của học sinh.

Cô Lê Thị Thuý Nga - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Linh chia sẻ, để tránh tình trạng học đối phó, cô thường xuyên đặt câu hỏi liên quan đến bài học và gọi tên bất kì để kiểm tra sự tập trung cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của các em. Sau mỗi tiết học, cô giáo yêu cầu học sinh chụp lại phần ghi chép nội dung học và gửi vào nhóm lớp, tránh tình trạng chỉ mở máy mà không học…

Không chỉ cô Thúy Nga mà các giáo viên khác luôn cố gắng tìm cách chuẩn bị bài giảng theo hướng mới, thay vì các slide bằng kênh chữ nhiều thì đổi sang các hình ảnh và video ngắn nhưng vẫn bảo đảm nội dung kiến thức, giúp các em học sinh hứng thú và bớt nhàm chán. Ngoài việc học lý thuyết thì cô Thúy Nga cũng khuyến khích các em học sinh vẽ sơ đồ tư duy vừa giúp các em ôn bài cũ, vừa phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.

“Tâm lý trẻ em vẫn thích điểm số cao nên ai năng động phát biểu, trả lời câu hỏi nhanh hay làm bài tập đầy đủ đều được cô cho điểm tốt để tăng sự tương tác trong lớp học và tạo cho học sinh tinh thần tự giác.” - cô Thúy Nga nêu giải pháp.

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần đưa ra các nguyên tắc về thời gian biểu trong ngày, giờ nào học, giờ nào chơi, giờ nào dành cho gia đình… Cha mẹ không nên bỏ mặc việc học của con mà nên thường xuyên hỏi han, quan tâm, kiểm tra tình hình học tập của con mình.

Đồng thời, tham gia vào các nhóm lớp để tiện trao đổi với giáo viên; nắm thời khoá biểu và kế hoạch của trường/lớp, nhắc nhở con tránh bỏ sót tiết học. Đặc biệt, phụ huynh cần tạo động lực cho con trẻ, có thể dùng phần thưởng phù hợp khi con đạt điểm tốt nhằm tạo sự thích thú và nỗ lực cho con trong học tập.

Với tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và căng thẳng như hiện tại, các em học sinh vẫn phải tiếp tục duy trì việc học trực tuyến tại nhà. Vậy nên, sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và ý thức của các em học sinh là rất cần thiết để đảm bảo việc học trực tuyến được diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Đọc thêm