Người cựu binh và lý tưởng sống tốt để con cháu noi theo

(PLVN) - Trở về từ chiến trường, những người lính năm nào tiếp tục lăn lộn với cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng trong lòng vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ các đồng đội đã ngã xuống. Để rồi, khi đã phần nào nhẹ được gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, ở tuổi xế chiều, họ gom góp tiền dành dụm, rủ nhau lên đường tìm kiếm đồng đội đã ngã xuống.
Ông Tứ kể lại hành trình đi tìm đồng đội
Ông Tứ kể lại hành trình đi tìm đồng đội

Trận đánh hào hùng

Ngày 27/3/1967, hòa vào không khí nô nức xung phong ra chiến trường của những thanh niên, học sinh Hà Nội, chàng trai Nguyễn Xuân Tứ lên đường nhập ngũ. Ông được tuyển vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đóng ở Bắc Thái, nay là tỉnh Thái Nguyên.

Sau 10 tháng huấn luyện, ngày 5/2/1968, Trung đoàn của ông được lệnh hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam để tiếp tục đợt 2 của cuộc tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Gần một tháng hành quân, đơn vị của ông Tứ vào tới Tây Nguyên, dừng chân tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ông Tứ được giao nhiệm vụ làm liên lạc ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209. Đêm 25, rạng ngày 26/3/1968, Tiểu đoàn 7 và được tăng cường thêm từ Đại đội 13 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209 được lệnh tấn công căn cứ hỏa lực của Mỹ ở cao điểm M2 tại Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy.

Cả đơn vị tiến lên cao điểm với khí thế vô cùng hăng hái nhưng do địa hình ở đó cao hơn mực nước biển gần 1km, lại vô cùng hiểm trở nên cả đơn vị đã phải leo từ chập tối, bí mật ém quân đến 1 - 2h sáng mới tới được đỉnh núi và nổ súng được. Trên cao điểm đó, Mỹ đã xây dựng được cứ điểm bán kiên cố với 3 hàng rào và lô cốt. 

Trận giằng co diễn ra vô cùng khốc liệt. Các chiến sỹ của ta đã tiêu diệt được gần 200 lính Mỹ và chiếm được một số lô cốt trận địa pháo ở trên cao điểm M2. Quân địch co cụm vào sâu phía trong nhưng bất lợi cho ta là lúc đó trời đã sáng, chiến sỹ của ta cũng gần hết đạn dược và hy sinh tương đối nhiều.

Vì vậy, quân ta quyết định rút quân khỏi cao điểm. Địch sau đó được tiếp viện, tăng cường lực lượng đóng giữ cứ điểm. Đây cũng chính là lý do các chiến sỹ trong đơn vị của ông Tứ không quy tập được hài cốt của hơn 200 đồng đội hy sinh anh dũng trong trận đánh khốc liệt đó. Đến năm 1974, do bị thương, ông Tứ được chuyển ra miền Bắc dưỡng thương.

Hành trình vẹn nghĩa với đồng đội

Rời quân ngũ, ông Tứ là thương binh 4/4, về làm việc tại công ty bao bì xuất khẩu. Trong suốt thời gian này, ông luôn đau đáu nghĩ suy về những đồng đội đã nằm lại trên đỉnh Chư Tan Kra, mong muốn đi tìm các đồng đội về. Thế nhưng vì lý do “cơm áo gạo tiền” nên ông Tứ đành phải gác lại trong lòng những khắc khoải đó.

Đến khi về hưu, ông và một số đồng đội trong đơn vị cũ gặp nhau. Trong một đợt gặp mặt như vậy, ông Tứ và 4 đồng đội trong Ban liên lạc Trung đoàn 209 là các ông Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc ở Đại đội 5 năm xưa đã thống nhất sẽ góp tiền thuê xe ô tô vào Tây Nguyên để tìm hài cốt của những đồng đội trên cao điểm M2.

Chuyến đi khởi hành vào năm 2009. Tuy nhiên, khi tới Ban Chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy hỏi thăm, cả nhóm được biết địa phương không có tư liệu về trận đánh này. Vì vậy, với sự giúp đỡ của địa phương, các ông đành phải lần dò đi tìm. 

Ông Tứ kể lại, trước đây, chiến trường mà các ông đã chiến đấu là khu vực rừng rậm nhưng ngày nay, nhân dân đến đây khai hoang, làm nương trồng sắn, trồng hoa màu nên địa hình đã thay đổi. Cộng với việc khi xưa hành quân vào đánh cao điểm M2 là đi từ Lào sang khiến họ không có dấu mốc nào để có thể xác định khu vực xảy ra trận đánh hơn 40 năm trước.

Leo núi cả ngày trời với sự hỗ trợ của Ban Chỉ huy quân sự địa phương và một số người dân, đến tận chiều, nhóm của ông Tứ mới lên tới gần đỉnh núi. Tại đó, họ thấy có dấu tích hệ thống giao thông hào, nhưng xác định không phải là nơi xảy ra trận đánh trên cao điểm M2. Cả đoàn sau đó trở ra Hà Nội.

Sau lần đó, nhóm của ông Tứ tiếp tục tiến hành thêm một số đợt tìm kiếm nữa. Năm 2010, họ tìm được một số khí tài của đồng đội như những chiếc mũ sắt huyền thoại năm nào. Cũng đến khi đó, nhóm cựu binh mới biết được rằng khu vực mà họ tìm đến ở chuyến đi đầu tiên là M4, cách cao điểm M2 khoảng hơn 10km đường chim bay.

Cùng đợt này, đoàn tìm được hài cốt đầu tiên của liệt sĩ Tạ Ngọc Giao và đưa về Hà Nội. Tiếp đó, nhóm của ông Tứ đã bắt được liên lạc với các cựu chiến binh Mỹ tham gia trận đánh năm 1968 và được cung cấp toàn bộ sơ đồ tọa độ trận đánh năm xưa cùng những hình ảnh chụp cao điểm từ trên cao. 

Từ những tài liệu quý giá trên, đoàn tiếp tục tổ chức đi tìm hài cốt đồng đội. Với sự giúp đỡ của địa phương, nhóm của ông Tứ đã lên được cao điểm M2 ở Chư Tan Kra. Sau một thời gian dài khai quật, họ tìm được hơn 200 bộ hài cốt của các đồng đội, đa số là vô danh do lính Mỹ đóng quân ở trên cao điểm khi xưa đã chôn ở lưng chừng núi. Hài cốt các liệt sỹ được đưa về nghĩa trang Sa Thầy, một số có danh tính thì đưa về nghĩa trang địa phương.

Năm 2012 thành phố Hà Nội xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội ở xã Ia Xier, huyện Sa Thầy, ngay dưới chân núi xảy ra trận đánh để tưởng niệm những người con Thủ đô đã ngã xuống trên mảnh đất Tây Nguyên. Hài cốt của Đại đội trưởng Trần Sỹ Tán cũng đã được ông Tứ và gia đình tìm được để đưa về xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Sau đợt đó, một số đồng đội khác của ông Tứ tiếp hành trình tìm đồng đội. Càng về sau, số người tham gia càng đông. Đến nay, họ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những đồng đội còn nằm lại ở chiến trường. Còn ông Tứ do sức khỏe cùng một số điều kiện khác nên chỉ có thể thi thoảng vào nơi đồng đội nằm xuống để thắp nén nhang tưởng niệm. 

Trong cuộc sống thường nhật, người cựu binh Nguyễn Xuân Tứ quan niệm phải luôn sống tốt để con cháu noi theo. Ông tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, hiện là tổ trưởng tổ bảo vệ khu dân cư, thuộc Ban bảo vệ phường Phúc Xá.

Ông cũng là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, thành viên Ban Chấp hành Chi hội Cựu chiến binh phường Phúc Xá, tích cực tham gia vận động gia đình, người thân và người dân tuân thủ pháp luật, tham gia các hoạt động quyên góp, từ thiện giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Với những đóng góp  của mình, năm 2017, ông Tứ được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. 

Đọc thêm