“Học theo Bác là việc làm phải đi đôi với thực tiễn”
Được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh nhiều năm liền, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2005 - 2009…
Ông Nguyễn Đình Chước bên vườn hoa cúc trồng trong nhà kính.
Được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh nhiều năm liền, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2005 - 2009…, nhưng với ông Nguyễn Đình Chước (49/29 Bế Văn Đàn, phường 12, Đà Lạt) “đó là học theo lời dạy của Bác, nên bản thân luôn phấn đấu việc làm phải đi đôi với thực tiễn để làm giàu cho bản thân, giúp ích cho xã hội”. Xuất thân từ một người nông dân chân lấm tay bùn, khi sinh hoạt ở Hội nông dân phường, ông Chước luôn ý thức tham gia đầy đủ các lớp khuyến nông, các hội thảo về kỹ thuật cây trồng, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nên đã nắm bắt và am hiểu được nhiều nguồn thông tin về kinh tế để áp dụng trong thực tiễn sản xuất của gia đình. Với 1,3 ha đất sản xuất nông nghiệp, gia đình ông chuyên trồng rau, cây atisô theo kiểu truyền thống nên thu nhập không ổn định. Qua tìm hiểu, ông thấy việc trồng rau, hoa trong nhà kính theo hướng công nghệ cao hiệu quả hơn nên đã chuyển đổi 9,5 sào trồng hoa với kỹ thuật canh tác mới. Từ đó, mỗi năm gia đình ông sản xuất từ 3 – 5 vụ với 450 ngàn cành hoa mỗi vụ và 500 m2 đất để sản xuất giống, cây con. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận ông Chước thu được khoảng 400 triệu đồng/năm. Với lao động chính trong gia đình có 4 người, thuê 1 nhân công làm theo tháng với mức lương 2 triệu đồng/tháng, nhưng những lúc ươm giống, trồng cây hay thu hoạch ông phải thuê thêm 150 lao động mới làm hết việc. Ông Chước rất tỉ mỉ trong việc làm đất trồng, kỹ thuật làm đất chủ yếu của gia đình ông là vôi, phân chuồng, phân vi sinh, lân supe, đất sạch, đạm được cày và cào đều rồi mới trồng. Về tưới tiêu, ông sử dụng hệ thống Pec tự động và chỉ tưới vào sáng sớm, không tưới vào buổi chiều vì đất sẽ ẩm dễ gây nấm bệnh. Tuy nhiên, cứ khoảng 10 ngày là ông dùng dây tưới tay để rửa trôi trứng nhện đỏ, vì tưới Pec không trôi được làm cây khó phát triển. Với sự ham học hỏi từ những người có kinh nghiệm, ông đã đúc kết được một kinh nghiệm phun thuốc hiệu quả. Quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật cho hoa cúc là phải phun bằng máy hoặc mô tơ, và phải bơm đúng kỳ. Trong cách pha chế, ông cũng có kỹ thuật để tránh được nấm bệnh, cây trồng phát triển nhanh, lá bóng mượt, cây to khoẻ, đạt yêu cầu. Vì vậy, vườn hoa của gia đình ông vụ nào cũng tránh được nấm bệnh, cây thu hoạch đạt từ 90% trở lên. Trong đó, 50% số cây ông bán vạt tại vườn và 50% đóng thùng bán xuống thành phố Hồ Chí Minh. Qua những năm sản xuất với thu nhập ổn định, giờ đây, ông Chước đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang thay cho mái nhà tạm bợ ngày nào. Nhưng đối với ông, thành quả lớn nhất sau bao năm quần quật trên mảnh vườn là hai người con, một học đại học và một học cao đẳng tại thành phố Hồ Chí Minh nay đã ra trường, có việc làm và thu nhập ổn định hơn nghề làm rau, hoa của cha mẹ. Thấy nhiều người còn khó khăn, ông đã giúp đỡ 4 hộ cho vay hơn 100 triệu đồng để họ mua đất canh tác và làm nhà kính. Đồng thời, phổ biến những kinh nghiệm trồng hoa, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp đỡ giống cây con với gần 1 triệu cây mỗi năm. Hiện ông Chước là phó ban liên lạc hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng, mỗi năm vận động được gần 5 triệu để phát thưởng cho con em trong hội học giỏi. “Ông Chước là một nông dân ham học hỏi, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nên luôn là gương nông dân sản xuất giỏi của phường. Khi sinh hoạt ở hội nông dân, tổ dân phố, các phong trào của địa phương, ông luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên làm tốt các nghĩa vụ tài chính như thuế, các khoản thu của phường…”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Chủ tịch UBND phường 12 cho biết.