“Cây không cành”, đó là cách sống của một số cặp vợ chồng trẻ thời hiện đại. Dù đã lấy nhau nhiều năm nhưng họ mãi chỉ là... vợ chồng son rỗi. Họ đưa ra hàng ngàn lý do để trì hoãn việc phát triển giống nòi.
Nghĩ tới đẻ đã sợ
Thu Trang, nhân viên văn phòng một nhà máy in tại Hà Nội vốn là con gái duy nhất trong nhà được bố mẹ cưng chiều. Từ nhỏ đến lớn, Trang chỉ biết mỗi việc học và chơi. Mọi việc trong nhà như cơm nước, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp đều có mẹ và người giúp việc làm.
Bữa sáng do người giúp việc nấu sẵn đợi cô, tối về bữa cơm thịnh soạn cũng đã sẵn, thậm chí lúc cô đi ngủ, mẹ cô còn pha sẵn cốc nước cam chờ “con gái rượu” uống. Cứ thế, Trang lớn lên mà gần như chưa từng mó tay vào việc nhà, kể cả quét nhà cô cũng ngại.
Quen ăn, quen chơi, thấy bạn bè cùng trang lứa lấy chồng đều có con và tất bật với việc chăm sóc, nuôi nấng con cái với hàng trăm việc không tên, Trang thấy... toát mồ hôi hột. Bởi, chăm sóc cho bản thân cô, cô cũng chẳng làm nên hồn huống chi phải chăm sóc cho một đứa trẻ, công việc đầy rẫy khó khăn. Rồi việc chong chong thức đêm cho con uống sữa, dỗ con nín khóc, chăm sóc lúc con ốm đau..., nghĩ tới đó cũng đủ làm cho Trang thấy... rùng mình.
Cô quyết định sau này tìm mọi cách trì hoãn việc có con. Quyết định ấy được thực hiện ngay sau khi Trang kết hôn. Cùng chung “chí hướng” với Trang là Trung, chồng cô. Vốn không thích dỗ dành khi trẻ con quấy phá nên khi Trang nói ý định của mình, Trung lập tức ủng hộ. Dù có thai nhiều lần nhưng vợ chồng Trang - Trung nhất quyết bỏ để phải lo chuyện... nuôi con.
Cung suy nghĩ ngại đẻ, vợ chồng chị Mai Quỳnh (Hà Đông, Hà Nội) không muốn bó buộc thời gian khi phải chăm sóc, nuôi nấng con. Vợ chồng chị thích hưởng thụ. Ngày đi làm, tối về ăn cơm hoặc đi ăn tiệm rồi nắm tay nhau đi xem phim ở rạp. Cuối tuần đi du lịch ngắn ngày hoặc đi shopping. Dù lấy nhau hơn chục năm nhưng vợ chồng chị vẫn là vợ chồng son. Vợ chồng chị uống đủ loại thuốc để tránh thai. “Nếu có con thì vợ chồng tôi đâu được đi chơi, du lịch thoải mái thế này”, chị Quỳnh cho hay.
Một lý do mà cánh phụ nữ ngại đẻ hay nại ra là do muốn giữ sắc đẹp. Chị Thanh là một trong số ấy. Trong con mắt của chị, cứ ai đẻ một, hai con là y như rằng sắc đẹp bị... xuống cấp. Muốn giữ chồng, chị Thanh sợ mình cũng bị “xuống cấp” như vậy nên nhất quyết không chửa, đẻ để giữ eo thon.
Đẻ muộn - ảnh hưởng chất lượng giống nòi
Chơi mãi cũng tới lúc tàn canh. Vợ chồng chị Quỳnh sau hơn 10 năm sống với nhau, quanh ra quẩn vào vẫn chỉ hai người nên họ thấy vô cùng hiu quạnh. Nhìn nhà bên, trẻ con nô đùa, vợ chồng chị bắt đầu muốn có con. Các loại thuốc tránh thai bị ngừng sử dụng. Họ mong ngóng tin vui. Nhưng càng trông mong, họ lại càng thất vọng. Vợ chồng chị Quỳnh quyết định đi khám. Bác sĩ cho hay, vì chị từng uống các loại thuốc tránh thai bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ, hơn nữa tuổi chị đã cao nên khó có thể sinh con. Nếu có thai thì trẻ dễ mắc một số bệnh bẩm sinh.
Cũng khó khăn về chuyện có con, vì phá thai nhiều lần, dạ con của Trang bị bào mòn dẫn tới việc khó đậu thai. Vợ chồng Trang - Trung thấy hối hận vì sự trì hoãn đẻ trước đây của mình.
Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo: Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một, hai con. Các cặp vợ chồng trẻ chưa từng sinh con phải cân nhắc kỹ việc phá thai. Bởi, nạo phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ. Ngoài ra, các thủ thuật này dễ dẫn đến thủng tử cung, băng huyết, tổn thương cổ tử cung hoặc âm đạo, tai biến do dùng thuốc gây mê, gây tê. Các tai biến xuất hiện muộn hơn là sót thai, sót nhau, nhiễm trùng, chấn thương tâm lý (có người bị trầm cảm), nhiễm trùng gây viêm dính buồng tử cung dẫn đến vô sinh...
Để chất lượng sinh sản đạt hiệu quả cao, các bà mẹ nên đẻ con ở khoảng tuổi 22-33. Các nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ từ 35 tuổi trở đi, càng lớn tuổi thì tỷ lệ sinh con bị dị tật các loại càng nhiều, đặc biệt là các bệnh do rối loạn thể nhiễm sắc như bệnh Down, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của trẻ sau này cũng như ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi, chất lượng dân số.
Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng dân số của Việt Nam cũng đã từng bước được nâng cao. Tuy vậy, so với khu vực và trên thế giới, chất lượng dân số của nước ta còn thấp: Tỷ số chết mẹ, tỷ suất chết sơ sinh, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn khá cao và có sự cách biệt rất lớn giữa các vùng miền; tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền có xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu... |