Có được đóng nối tiếp bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng không?

(PLVN) - Mã số BHXH là mã số định danh duy nhất do cơ quan BHXH cấp, gắn liền và xuyên suốt quá trình đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định đối với mỗi cá nhân tham gia.

Bạn đọc Đặng Thái Thân (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Công ty tôi có 1 lao động vào làm việc bắt đầu từ tháng 12/2020, trước đó lao động này làm việc tại 1 trường trung cấp nghề của Quân đội và đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 6 năm 7 tháng tại BHXH Bộ Quốc phòng và chốt sổ hết tháng 11/2019. Từ tháng 12/2019 đến nay lao động này chưa đóng bảo hiểm ở đâu nữa và trên sổ BHXH tôi thấy đóng dấu “Đã hưởng trợ cấp thất nghiệp” từ tháng 02 đến tháng 08/2020. Cho tôi hỏi sổ BHXH của lao động này có đóng nối tiếp BHXH tại công ty tôi được không? Nếu đóng nối tiếp được thì thủ tục bao gồm những gì?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời: Căn cứ Điều 4 Quyết định 346/QĐ-BHXH ngày 28/3/2019 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy chế quản lý và cấp mã sổ BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT quy định “Mỗi một người tham gia chỉ được cấp duy nhất một mã số BHXH và mỗi mã số BHXH chỉ được cấp duy nhất cho một người tham gia”.

Như vậy, mã số BHXH là mã số định danh duy nhất do cơ quan BHXH cấp, gắn liền và xuyên suốt quá trình đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định đối với mỗi cá nhân tham gia.

Do đó, đối với trường hợp bạn hỏi, sổ BHXH của người lao động đã được xác nhận quá trình tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và người lao động đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị sử dụng lao động mới thì vẫn sử dụng số sổ BHXH đã được cấp tại đơn vị cũ để quá trình tham gia đóng BHXH được cộng nối.

Thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Thành phần hồ sơ

1.1. Người lao động

a) Đối với người lao động đang làm việc tại đơn vị:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.

1.2. Đơn vị:

a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).

b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).

c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ

Cách thức nộp hồ sơ: Đơn vị sử dụng lao động lựa chọn nộp hồ sơ trong các hình thức sau: Qua giao dịch điện tử; Qua dịch vụ bưu chính; Trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Để biết thêm chi tiết, bạn liên hệ với cơ quan BHXH trên địa bàn hoặc Tổng đài tư vấn 19009068 để được giải đáp.

Đọc thêm