Giao dịch vay tiền còn lưu trên Facebook, có được coi là bằng chứng?

(PLVN) - Tôi cho bạn vay 50 triệu đồng nhưng hai năm nay đòi mãi không được trả. Người đó còn "lật mặt" nói không hề vay mượn gì. Khi cho vay, tôi không viết giấy tờ gì nên giờ chỉ còn lưu lại tin nhắn trên Facebook. Đó có thể được coi là bằng chứng khi đưa ra tòa không? (Thu Trang)
Giao dịch vay tiền còn lưu trên Facebook, có được coi là bằng chứng?

Luật sư trả lời

Căn cứ Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nguồn chứng cứ bao gồm:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự.

4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử, Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Như vậy, những tin nhắn trao đổi qua Facebook có thể được xem là một nguồn chứng cứ và dùng làm chứng cứ chứng minh tại Tòa án. Ngoài ra, để đảm bảo tính pháp lý của chứng cứ này, bạn có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng.

Trong trường hợp cho vay tiền thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng thì có thể sử dụng giấy chuyển tiền hay sao kê tài khoản ngân hàng, xác nhận của ngân hàng để làm chứng cứ đòi lại tiền vay.

Đọc thêm