Luật cấm uống rượu bia lái xe, thực tế sẽ thế nào?

(PLVN) - Việc Quốc hội thông qua Luật phòng chống tác hại rượu bia có nội dung “Uống rượu bia thì không lái xe" được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, theo Luật sư Giang Hồng Thanh, để luật đi vào thực tế thì cần có sự nghiêm túc trong quá trình thực thi.

Trước đó, ngày 14/6 vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (gồm 7 chương với 36 điều) chính thức được Quốc hội bỏ phiếu tán thành thông qua. Đáng chú ý, tại khoản 1 Điều 21 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có nội dung: "Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông". Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Luật sư Giang Hồng Thanh
Luật sư Giang Hồng Thanh

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh: Có thể thấy rằng nội dung này là rất tích cực, lần đầu tiên được luật hóa, có tác dụng lớn trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi sử dụng rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông, qua đó giảm thiểu các tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

“Tuy nhiên, luật quy định là một việc. Nhưng để luật đi vào thực tế và có hiệu quả thì điều không kém phần quan trọng là sự nghiêm túc trong quá trình thực thi luật”, luật sư Thanh nói.

Trước khi quy định nêu trên được đưa vào luật thì việc xử lý hành vi uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông đã được thể hiện tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Chẳng hạn như tại điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định có quy định: "Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100mml mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở". Nhưng có lẽ việc xử lý chưa được quyết liệt nên tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Nói thế để thấy rằng nếu có luật nhưng việc thực thi lại không triệt để thì luật trên giấy tờ không thể hạn chế được vi phạm.

Theo luật sư Thanh, bên cạnh việc ban hành luật, công tác tuyên truyền cũng cần phải được đẩy mạnh hơn. Tuyên truyền cả về sự nguy hiểm, gây mất an toàn của người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cũng như tuyên truyền cả về việc xử lý hành chính hoặc hình sự đối với người vi phạm.

Nếu người dân hiểu được tác hại của việc này và các hình phạt nghiêm khắc, thường xuyên, liên tục đối với hành vi vi phạm, chắc chắn họ sẽ có ý thức hơn trong việc kiềm chế sử dụng rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

Đọc thêm