Mức hưởng chế độ ốm đau

(PLVN) - Bạn đọc Vũ Thị Thu Hiền hỏi: Tôi bị bệnh thoát vị đĩa đệm hẹp ống sống đang điều trị ngoại trú. Tôi tham gia BHXH từ tháng 3/2007 đến nay, tôi được nghỉ bao nhiêu ngày hưởng BHXH?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Theo Điều 23 Luật BHXH năm 2014 và Điều 4 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐTB&XH quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với NLĐ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa không quá 180 ngày trong 1 năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn, nhưng thời gian hưởng tiếp tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc.

Bệnh cần chữa trị dài ngày là bệnh có tên bệnh và mã bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

Do bạn không nêu rõ mã bệnh; Bạn làm việc trong điều kiện bình thường hay làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên BHXH Việt Nam chưa đủ căn cứ trả lời cụ thể. Đề nghị Bạn đối chiếu quy định nêu trên hoặc liên hệ cơ quan BHXH nơi gần nhất để được giải đáp.

Đọc thêm