Sổ tiết kiệm có được coi là tài sản thừa kế?

(PLO) - Cha tôi qua đời không để lại di chúc, mẹ tôi cũng đã mất, tài sản cha mẹ để lại ngoài ngôi nhà mà ba anh em tôi đang sử dụng chung còn có một sổ tiết kiệm đứng tên cha trị giá 400 triệu đồng. Xin hỏi sổ tiết kiệm có được coi là tài sản thừa kế hay không, số tiền tiết kiệm của cha tôi để lại sẽ được phân chia, giải quyết như thế nào? (Anh Hoàng Văn Thanh, 23 tuổi ở Thanh Hóa) 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trả lời:

 Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tiền gửi tiết kiệm cũng là tài sản và đã là tài sản thì có thể chia thừa kế theo di chúc hoặc chia theo pháp luật. 

Theo khoản 7 Điều 6 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định số 1160/2004 của Ngân hàng Nhà nước, sổ tiết kiệm chỉ là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm nên tài sản thực sự để để thừa kế trong trường hợp này được hiểu là tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng (kể cả các lợi ích phát sinh như tiền lãi,…) chứ không phải chỉ là số tiền gốc ghi trong sổ tiết kiệm.

Điều 17 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm nêu trên cũng quy định về trường hợp về rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế. Theo đó, thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các quy định về thừa kế tại Bộ Luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.

Vậy nên ba anh em bạn cần họp bàn thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chia thừa kế số tiền tiết kiệm của cha, sau đó tốt nhất anh em bạn nên ủy quyền cho một người đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm và tiến hành phân chia theo văn bản đã thỏa thuận trước đó. 

Đọc thêm