Hồi ức về... Cọp ở núi rừng Quảng Nam

Đó là Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Dưới mái nhà xanh của những cánh rừng đại ngàn là hàng triệu bước chân của đoàn quân ra trận có chung quy ước: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to”.

Đường Trường Sơn trăm vạn nẻo
Đồng đội nào đã đi ngang qua đây?

Đó là Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Dưới mái nhà xanh của những cánh rừng đại ngàn là hàng triệu bước chân của đoàn quân ra trận có chung quy ước: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to”.

Bên cạnh những hy sinh của bao đồng chí, đồng đội, cùng những gian khổ ác liệt không thể kể hết của chiến tranh bởi bom đạn, đói khát, ốm đau và kẻ địch vây lùng... trong ký ức tôi còn hiển hiện một thiên nhiên hùng vĩ của Trường Sơn, của rừng núi Quảng Nam. Nơi ấy có những lối mòn quen thuộc, những đoạn sông, dòng suối, những đỉnh dốc núi cao tôi đã vượt qua, vạt rẫy lưng đồi tôi đã phát đốt, dọn tỉa, chăm sóc và đợi ngày thu hoạch...

Tất cả, tất cả, thế mà đã 40 năm trôi qua. Trong bộn bề kỷ niệm ấy, Xuân Canh Dần chỉ xin góp vài mẩu chuyện về cọp ở rừng núi Quảng Nam trong những năm tháng ấy mà đã hơn một lần tôi được thấy, được nghe...

Những dấu chân “ông ba mươi”

Hồi đó, sau đợt tấn công Xuân Mậu Thân, Mỹ-ngụy tập trung sức phản kích, đánh phá ác liệt. Một số đơn vị của ta phải di chuyển về tuyến sau, thuộc vùng núi Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang... vừa sản xuất lương thực, vừa huấn luyện bồi dưỡng để củng cố lực lượng. Đơn vị chúng tôi sản xuất ở một nơi khuất nẻo bên bờ sông Thanh, gần làng Pà Rồng. Do biết bơi lội, sau mỗi chiều làm rẫy, tôi cùng một người bạn thường được nghỉ sớm để đi thả lưới, giăng câu kiếm cá góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày (lúc bấy giờ không có gạo, bữa ăn chỉ sắn, dong, riềng và rau rừng).

Vậy nên, mỗi sáng ra sông cuốn lưới và cá về là tôi nhìn thấy những dấu chân tròn như chân mèo, to như chiếc bát úp lún sâu dọc bãi cát ven sông. Đấy là dấu chân cọp - “ông ba mươi” đi săn mồi khi đêm. Đường 13 - bến Giằng đi Pà Lừa và vùng núi Đại Lộc tiếp giáp Đông Giang, Nam Giang bấy giờ được coi là vùng “rừng sâu núi thẳm” nổi tiếng có nhiều cọp, ai qua lại đây đều thấy dấu chân của chúa tể sơn lâm. Vậy mà con người vẫn phải đi lại và sống trên những con đường đầy dấu chân cọp. Dường như bom đạn, chiến tranh, con người đông đúc cũng đã làm cho cọp hoảng sợ, lẩn tránh. Họa hoằn lắm mới có cuộc “đụng độ” nảy lửa bất đắc dĩ với cọp dữ đói ăn liều lĩnh vồ người.

Mạnh ai nấy chạy

Trong một chuyến đi công tác đồng bằng, khoảng 9 giờ sáng vừa đến quãng dốc ranh An Định (Đại Lộc), thoai thoải lau lách, sim mua... Anh Thiều Lợi (quê Điện Quang, đã hy sinh) bất ngờ thấy một con cọp đang ngồi thu lu bên một tảng đá rình mồi ven đường. Cảm giác ớn lạnh rần rần khắp người, may thay anh Lợi đã kịp trấn tĩnh nhờ có quả lựa đạn cầm tay. Người, mắt không rời cọp và thủ thế; cọp nhìn chằm chằm người thăm dò. Cứ thế, anh Lợi đi thụt lùi ngược dốc. Con cọp khẽ nhếch mép, thu chân. Khoảng cách dần xa, anh chọn vị trí để lách tránh và ném vội quả M.26 về phía địch thủ. Tiếng nổ phá tan sự vắng lặng của núi rừng, sự căng thẳng của người. Và lúc đó, mạnh ai nấy chạy.

Heo, hổ tranh hùng

Khu sản xuất làng Bền, làng Sơn (huyện Đông Giang) với những nà bãi phù sa được tạo bởi dòng sông Voi quanh co uốn lượn dưới chân các sườn đồi. Một ngày đầu xuân, vừa tỉa xong các rẫy lúa “Ba Trăng”, anh Vũ Thanh Tú tranh thủ vác súng đi săn thịt rừng để cải thiện. Đang luồn qua các dãy rừng chồi, anh nghe tiếng gầm và tiếng hộc mỗi lúc một rõ. Hóa ra một con cọp khoảng hơn 50kg đang đánh nhau với con heo rừng có nanh chừng 1 tạ (là loại heo rừng độc chiếc, khỏe và dữ không kém gì... cọp).

Cọp tiến, heo lùi, bất đồ khi miếng võ hổ truyền thống phóng xuống và vồ chụp thì heo rừng xoay ngang đâm chiếc nanh lợi hại vào bụng và chân cọp. Cọp phóng thẳng còn heo đâm ngang và thọc vào yếu điểm phía sau, đồng thời thi thoảng lấy đà xén cây đổ, đập xuống lưng cọp. Thật là cuộc tranh hùng bất phân thắng bại. Chỉ có người đi săn (anh Tú) im lặng, thi triển một thứ võ-trí cực kỳ lợi hại là “tọa sơn, quan hổ đấu”. Cho đến khi hai con thú mình đầy máu, nằm thở dốc, anh liền bò đến gần bắn bồi mỗi con một viên đạn. Lần đó, cả đơn vị tôi và dân làng Bền, làng Sơn đều được ăn cả thịt heo lẫn thịt cọp.

Đi săn nai gặp phải cọp

Vừa tuốt lúa xong, lại đến mùa đốt rẫy. Rẫy cháy tốt rất nhiều tro, ban đêm thú rừng hay mò ra để ăn tro, những con ăn thịt thì tìm thú bị chết cháy. Anh Huy (quê Duy Phú đã mất sau nghỉ hưu) nghĩ ngay đến việc đi săn. Đêm xuống chậm, trời đầy sao, anh đã mai phục tại rẫy.

Đang đảo mắt kiếm tìm và lắng nghe từng tiếng động nhỏ thì bỗng phía bìa rừng sột soạt những bước chân. Loáng, ánh đèn pin quét ngay về hướng ấy. Cục lửa đỏ âm âm xuất hiện, bắt đèn. Cọp! Kinh nghiệm của người đi săn cho Huy nhận ra ngay con mồi cực kỳ nguy hiểm. Thoái không xong, Huy ẩn mình và giương súng, cục lửa từ mắt bên phải tắt, bên trái lại xuất hiện, loạt AK đanh gọn xé nát màn đêm nhằm thẳng vào điểm giữa. Cùng lúc anh cầm súng vọt sang bên và nghe con thú gầm lên lao về phía súng nổ. Ực, bước nhảy của nó bị chựng lại vì trúng đạn, rồi đổ ầm...

Lần thứ hai, chúng tôi và dân làng Pà Rồng chia nhau thịt cọp. Từ đó, anh Huy nổi tiếng là một thợ săn gan dạ và thiện xạ.

Con hổ đầu tiên, hay con hổ cuối cùng?

Từ ngã ba làng Trao gần đường Hồ Chí Minh đến Trung Mang, Nông trường Quyết Thắng đã chuyển dời nhiều chỗ. Ở giữa núi cao, rừng sâu, cán bộ, công nhân nông trường có nhiều người săn bắn giỏi. Thế nhưng chưa ai bắn được “chúa tể rừng xanh”. Mãi đến năm 1976, anh công nhân trẻ Phan Duy Tuấn, quê Hòa Cường (Đà Nẵng) trong một lần đi săn đêm, thấy đốm sáng đỏ chiếu ngược, không biết là con gì nên cứ giương súng CKC lên ngắm.

Một phát súng nổ - và một con hổ gần 100kg nằm thẳng cẳng. Được thịt, anh thợ săn mừng rơi nước mắt. Nhưng lưng, trán đều đẫm mồ hôi vì sợ hết hồn!

Đến nay, chưa có thêm con hổ nào bị bắn hạ, có lẽ do không chịu được sự đông đúc của con người nên các “chúa tể rừng xanh” phải lẩn tránh vào các dãy núi xa, để bảo tồn nòi giống.

Gần 10 năm ở rừng, trong nhiều chuyện của người đi săn may mắn giết được cọp, tôi cũng đã nghe những cái chết đầy thương tâm của anh bộ đội đêm ngủ nhà dân ở Tý Sé bị cọp vồ mang đi mất tích! Một “chị nuôi” mờ sáng thức dậy ra suối đãi gạo nấu cơm cho thương binh bị cọp vồ mang đi...

Sau giải phóng vài năm, tại thôn Pà Lừa còn có chuyện ba cha con người dân tộc Cơtu trên đường từ rẫy về nhà lúc trời chập choạng tối, họ đã bị một con cọp 3 móng tấn công. Khi người con nhỏ bị cọp vồ, thì người cha nhảy bổ vào ôm cọp dữ cứu con. Nhanh tay, người con trai lớn nắm chắc cây dụ đi rừng bén nhọn đâm chết cọp dữ, song cũng chỉ cứu kịp người cha. Các già làng bảo rằng những con cọp bị bẫy kẹp, bị bắn trọng thương thoát chết càng hung dữ.

Bởi vậy, khi kể lại những câu chuyện về cọp ở rừng Quảng Nam, tôi không khỏi day dứt nhớ những năm tháng đầy gian khổ hy sinh của đồng đội, đồng bào. Những đồng đội tôi ngày ấy giết cọp không chỉ để cải thiện bữa ăn mà còn để bảo vệ sinh mạng con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn đầy khắc nghiệt, giống như họ đã phải đối đầu với bao hiểm nguy trước kẻ thù.

Còn giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đi vào xây dựng phát triển kinh tế, cọp là động vật quý hiếm cần được bảo vệ nhằm tránh nguy cơ tuyệt chủng. Vậy mà thi thoảng đây đó ở huyện X, tỉnh Y... vẫn nghe cọp bị bắn hạ, lột da, lấy thịt đưa lén về các quán ăn “đặc sản thịt rừng”, đáp ứng những kẻ lắm tiền thích của ngon vật lạ. Xương cọp nấu cao bán thu hàng lượng vàng.

Cùng với nạn phá rừng ngày càng cạn kiệt, “chúa sơn lâm” phải rày đây mai đó, không có chỗ nương thân. Vậy nên câu “rừng nào cọp ấy” biết có còn đúng nghĩa. Hành trình sống của cọp lại bị đe dọa bởi... người. Và vì thế tôi vẫn hoài mong khúc-hồi-ức về-cọp trong tương lai có thêm câu chuyện người yêu-cọp và bảo-vệ-cọp.

ĐINH VĂN MÃNH

Đọc thêm