Hôm nay, 20/10, tiếp tục xử vụ kiện Hòa Lân: Những kết luận của Thanh tra cần phải được tôn trọng

(PLVN) - Vụ án Cty Thiên Phú kiện đòi hủy kết quả đấu giá dự án Hòa Lân (Bình Dương) đã xảy ra diễn biến bất ngờ khi ông Bùi Thế Sơn (sở hữu 99% cổ phần Thiên Phú) có đơn xin rút toàn bộ đơn khởi kiện. Phiên xử sau đó đã được hoãn lại, dự kiến nối lại vào hôm nay (20/10).

Trước khi phiên xử mở lại, xuất hiện một số ý kiến cho rằng trong cuộc đấu giá dự án này đã có những sai phạm “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất gây thất thoát, lãng phí”, “có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.

Đánh giá đúng sai của cuộc đấu giá này, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận thanh tra, Bộ Tư pháp và Agribank đã có báo cáo gửi Thủ tướng… Là người theo dõi vụ kiện ngay từ ban đầu, LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS Bình Thuận) đã có cuộc trao đổi với PLVN.

Phiên xử vụ kiện Hòa Lân đã diễn ra một cách “giật cục” bất thường nhiều tháng nay.
Phiên xử vụ kiện Hòa Lân đã diễn ra một cách “giật cục” bất thường nhiều tháng nay.

Gần đây có một số ý kiến quy kết cuộc đấu giá dự án Hòa Lân là “thiếu công khai, minh bạch, đúng pháp luật…”, LS nghĩ sao?

- Kết luận thanh tra 62/KL-TTt ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp đã nêu rõ: “Nội dung tố cáo, việc đấu giá tài sản không được thông báo, niêm yết công khai theo quy định, cố tình che giấu thông tin bán đấu giá làm cho người có nhu cầu mua tài sản không nắm được thông tin để đăng ký mua tài sản” là không có cơ sở.

“Nội dung tố cáo Cty đấu giá cố tình hạn chế các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá bằng những hành vi vi phạm như: Che giấu thông tin, không bán hồ sơ cho người có nhu cầu đăng ký mua tài sản” là không có cơ sở.

“Nội dung tố cáo Cty đấu giá không thẩm định rõ ràng năng lực tài sản của tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá nên sau khi thực hiện việc đặt cọc và tham gia đấu giá thành, Kim Oanh không đủ năng lực để thực hiện hợp đồng mua trúng đấu giá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ tài sản và người có nhu cầu đấu giá” là không có cơ sở.

Hồ sơ cho thấy đây là dự án có đến 12 lần được đưa ra bán đấu giá. Ở lần cuối cùng có tới 3 tổ chức tham gia mua đấu giá. Giá khởi điểm do Thiên Phú tự đưa ra bằng thông báo ngày 30/12/2016 rằng có khách muốn mua với giá 963 tỷ.

Ý kiến cho rằng “Agribank, Cty CP đấu giá Nam Sài Gòn, Cty thẩm định giá và Cty Kim Oanh (bên mua trúng đấu giá – NV) sử dụng chứng thư không còn giá trị pháp lý…” là có cơ sở hay không?

- Kim Oanh là bên mua đấu giá, chỉ có nghĩa vụ nộp đủ tiền đặt cọc theo thông báo, chứng minh bằng hồ sơ pháp lý về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án… nên việc “gán ghép” Kim Oanh vào vấn đề trên là thiếu thuyết phục.

Cũng xin khẳng định chứng thư thẩm định giá chỉ là nguồn tham khảo để xác định giá khởi điểm đấu giá. Ở lần đấu giá thứ 11, khi giá giảm còn 900 tỷ, Thiên Phú chủ động có văn bản đề nghị tăng giá khởi điểm lên 963 tỷ và được chấp thuận.

Có thông tin cho rằng“Trưởng Phòng pháp chế Agribank Chợ Lớn là cổ đông sở hữu 76% trong Cty đấu giá, đồng thời tham gia vào quá trình xử lý tài sản thế chấp là dự án Hòa Lân”?

- Tại các phiên tòa, Agribank đều xác định, ông Hưng chỉ làm việc theo hợp đồng lao động không thời hạn, không phải cán bộ, viên chức, công chức nhà nước; nên được phép tham gia thành lập DN theo Điều 18 Luật DN.

Nếu có 1 “sổ đỏ” đã thế chấp nhưng chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm trong vụ này, thì cuộc bán đấu giá có vô hiệu hay không?

Điều 15 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định “giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm”.

Ở đây, dự án Hòa Lân là của Thiên Phú, được sử dụng để bảo đảm khoản vay Thiên Phú với Agribank. Dù hợp đồng bảo đảm có sai sót hoặc thậm chí bị vô hiệu (chưa đăng ký giao dịch bảo đảm) thì Thiên Phú vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Và khi nợ quá hạn thì Agribank được phép xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Có ý kiến đòi hỏi “việc chuyển nhượng dự án Hòa Lân phải được thực hiện theo Luật Kinh doanh Bất động sản”, LS nghĩ sao? 

- Đây là cuộc đấu giá, phải tuân thủ theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá và sau đó là Luật Đấu giá 2016. Theo đó kết quả đấu giá tài sản là căn cứ để các bên ký kết hợp đồng mua bán đấu giá hoặc cơ sở để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mới đây xuất hiện một chứng thư cho rằng thời điểm tháng 3/2017 (thời điểm thông báo bán đấu giá cuối cùng), theo Quyết định 04/2017/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương thì đất tại dự án Hòa Lân là 5,56 triệu đồng/m2, cả dự án là 2700 tỷ, chỉ bán 1353 tỷ là gây thiệt hại cả ngàn tỷ cho Thiên Phú. Định giá vậy có hợp lý không?

- Nội dung chứng thư trên, tôi cho rằng rất bất thường và vô lý. Theo Quyết định 04 thì cứ sâu vào trong 50m, vị trí đất sẽ thay đổi, giá tiền giảm theo. Không được áp cả khu đất mênh mông như vậy vào một mức giá cao nhất. Thứ hai, chứng thư trên còn tính cả giá trị đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng là trái quy định pháp luật.  

Bên mua trúng đấu giá dự án là Cty Kim Oanh thiệt hại thế nào trong sự việc này, và ai là người phải chịu trách nhiệm, thưa LS?

- Ngoài 1.353 tỷ đồng là tiền mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân, còn có số tiền chi phí đo đạc, thẩm định, nộp thuế do Thiên Phú nợ, mua đất “da beo”... Tổng số tiền Kim Oanh đã bỏ ra là hơn 1.500 tỷ.

Tạm tính theo lãi suất ngân hàng vay thế chấp là 12%/năm thì mỗi tháng Kim Oanh thiệt hại 15 tỷ đồng. Từ ngày bị TAND quận 7 “ngăn chặn” (tháng 3/2019) đến nay, số tiền thiệt hại đã là 285 tỷ đồng.

Kim Oanh thiệt hại do quyết định ngăn chặn của thẩm phán gây ra nên thẩm phán phải chịu trách nhiệm, có thể bị xử lý về tội danh “ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 371 BLHS.

Ông có nhận xét chung gì về vụ kiện rắc rối này?

- Cuộc đấu giá dự án Hòa Lân đã được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận rõ ràng nên những kết luận của Thanh tra cần phải được tôn trọng.

Vụ kiện chỉ rắc rối khi xuất hiện một số người khiếu kiện. Chẳng hạn như ông Bùi Thế Sơn, GĐ Thiên Phú, từng là người khởi kiện, nay dù còn 99% cổ phần tại Thiên Phú, nhưng muốn rút lại đơn kiện cũng chật vật khó khăn.

Dính “tai bay vạ gió” nhất là Kim Oanh, mua trúng đấu giá, mà bị “chôn” tại đây hàng ngàn tỷ, lại phải mỏi mòn hầu kiện.

Tôi nghĩ HĐXX sẽ có một phán quyết đúng luật, hợp tình hợp lý, để không xảy ra một tiền lệ xấu, gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt trong lĩnh vực đấu giá.   

Xin cảm ơn LS!

Đọc thêm