Hôm nay (22/4), dự kiến xử lại vụ cựu Bí thư Bến Cát

(PLVN) - Hôm nay (22/4), dự kiến TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án, trong đó ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát) bị cáo buộc là đồng phạm.
Ở thời điểm các bên giao dịch, ông Khanh được dư luận địa phương đánh giá mua đất không rẻ, phù hợp giá thị trường
Ở thời điểm các bên giao dịch, ông Khanh được dư luận địa phương đánh giá mua đất không rẻ, phù hợp giá thị trường

Trước đó, ngày 20/3, VKSND Bình Dương ra Cáo trạng số 12/CT-VKSBD-P1 với hai cán bộ ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn và ông Khanh. Theo cáo trạng, năm 1997, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã chết) và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976) mua được khoảng 23,4ha đất tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, TX Bến Cát. Trong đó cụ Hiệp đứng tên QSDĐ khoảng 13,7ha; bà Hảo 9,7ha.

Năm 2000, mẹ con cụ Hiệp thành lập Cty TNHH SXTM An Tây, cụ Hiệp góp vốn 94,4%, con gái góp 5,6%. Năm 2008, cụ Hiệp thành lập thêm Cty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp.

Từ năm 2005 – 2008, cụ Hiệp vay của BIDV cho An Tây và Mỹ Hiệp qua 6 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 72 tỷ (An Tây vay 5 lần 54 tỷ, Mỹ Hiệp vay 1 lần 18 tỷ). Tài sản thế chấp là 23,4ha đất và máy móc phục vụ sản xuất của An Tây được định giá 9 tỷ. Tổng giá trị tài sản đảm bảo tại thời điểm thế chấp là 80 tỷ.

Ngày 14/11/2008, cụ Hiệp xin rút tài sản thế chấp là 2ha đất xây dựng công trình, công nghiệp để thế chấp vay 30 tỷ tại Agribank Thủ Đức. Khoản vay này An Tây không trả được nên bị khởi kiện. Sau đó 2ha đất bị phát mãi. Ngày 2/3/2016, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí xây dựng Thiên Phát Lộc đã mua trúng đấu giá với số tiền 11,5 tỷ.

Ngày 27/12/2011, BIDV xác định tổng dư nợ hai DN là hơn 96 tỷ. Tháng 12/2011, BIDV trích lập dự phòng để xử rủi ro với khoản nợ này để xử lý và đưa vào danh sách ngoại bảng.

BIDV sau đó khởi kiện. Ngày 28/12/2012, TAND TP HCM công nhận sự thỏa thuận của hai bên xác định số nợ của An Tây là 77,7 tỷ. BIDV cho An Tây trả theo quý với số tiền 3 tỷ/quý, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý tài sản thế chấp. Với nợ của Mỹ Hiệp, do không xác định được địa chỉ con gái cụ Hiệp (bà Hảo-NV) nên đình chỉ.

Do cụ Hiệp vẫn không có khả năng thanh toán nên ông Nguyễn Huy Hùng, GĐ Chi nhánh giao ông Nguyễn Quang Lộc, Phó phòng quan hệ khách hàng DN 1 thực hiện xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện từ cuối năm 2012 đến năm 2015. Ông Hùng chỉ đạo, quyết định; ông Lộc thực hiện thủ tục, lập hồ sơ. Phương thức xử lý là cụ Hiệp tự bán, có sự giám sát và đồng ý của BIDV.

Cơ quan tố tụng thừa nhận, dù thời điểm này là Phó Chủ tịch TX Bến Cát, nhưng không lợi dụng gì chức vụ, quyền hạn của mình, mà “thông qua “cò” đất, biết cụ Hiệp cần bán đất, ông Khanh tìm đến để hỏi mua”. Cụ Hiệp ra giá 700 triệu/ha, cho biết đất đang bị thế chấp ở ngân hàng. Ông Khanh đề nghị phải có ý kiến đồng ý của BIDV cho cụ bán tài sản thế chấp.

Cụ Hiệp đến ngân hàng gặp ông Hùng và ông Lộc để nói về việc bán đất trả nợ và đề nghị được giữ lại một phần tiền để sinh sống. BIDV đồng ý.

Giá chuyển nhượng do cụ Hiệp và ông Khanh thỏa thuận là 650 triệu/ha, được BIDV đồng ý.  Phương thức thanh toán thỏa thuận là ông Khanh chuyển một phần tiền vào tài khoản cụ Hiệp, một phần đưa tiền mặt cho cụ Hiệp.

Cáo trạng cho rằng “thanh toán tiền mặt cho cụ Hiệp là trái quy định về xử lý tài sản thế chấp. Để che giấu, các bên đã ký hợp đồng mua bán thể hiện giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế, bằng số tiền ông Khanh chuyển vào tài khoản cụ Hiệp”.

Sau khi có sự đồng ý của BIDV, ông Khanh nhận chuyển nhượng của cụ Hiệp 18,1ha đất.

Lần thứ nhất, ngày 14/12/2012 cụ Hiệp đề nghị được bán 5,3ha giá 3,37 tỷ. Lần hai, năm 2015, cụ Hiệp xin chuyển nhượng 5,2ha cho ông Khanh giá 650 triệu/ha. Lần ba cũng vào năm 2015, cụ Hiệp xin chuyển nhượng 2ha đất phi nông nghiệp cùng tài sản. 

Với ông Khanh, theo cáo trạng, sau ba lần mua bán, đã trả tiền mặt cho cụ Hiệp 2,9 tỷ là “giúp sức” cho ông Lộc, ông Hùng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ.

Căn cứ mà cáo trạng buộc tội hai cán bộ BIDV và đồng phạm là ông Khanh, là dựa vào khoản 1 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP, còn lại là vi phạm vào các “quy chế nội bộ BIDV”.

Cáo trạng cho rằng cụ Hiệp có hành vi giúp sức cho ông Hùng, ông Lộc và ông Khanh nhưng đã chết nên không bị xử lý. Với vợ ông Khanh (đứng tên khu đất-NV) không biết việc ông Khanh trả tiền mặt cho cụ Hiệp nên không cấu thành tội phạm.

Vụ án này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận không chỉ vì có bị cáo từng là Bí thư cấp quận, huyện, mà còn được đánh giá có dấu hiệu oan sai, sau thời gian dài nhiều năm, nhiều lần đưa ra xét xử, điều tra lại, gia hạn nhưng vẫn chưa đưa ra được phán quyết. Trong phiên xử sơ thẩm lần 1, đại diện bị hại là BIDV cũng khẳng định các cán bộ ngân hàng đã làm đúng trong vụ việc. 

Trước phiên xét xử, là một người theo dõi vụ án ngay từ đầu, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), đánh giá: 

Được biết, về vấn đề “phần gốc” này, Công an Bình Dương đã khởi tố vụ vi phạm quy định về cho vay. Tuy nhiên, GĐ BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn là người đã ký văn bản cho cụ Hiệp vay nay cũng đã qua đời, nên có thể nói rất khó làm rõ sự việc.

Vẫn lời LS Hiệp: “Cáo buộc ông Khanh trả tiền mặt sau khi mua tài sản của cụ Hiệp là phạm tội, cũng là cáo buộc rất “mơ màng”. Dù chuyển trả qua tài khoản thì ông Khanh cũng chuyển vào tài khoản đứng tên cụ Hiệp. Những cáo buộc nếu không có căn cứ pháp lý rõ ràng, thiếu sức thuyết phục sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm trong cuộc sống, gây cản trở sự phát triển xã hội. Theo tôi, đây là một vụ việc có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ dân sự rõ ràng”, cần các cơ quan liên quan và Trung ương giám sát chặt chẽ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hợp lý, hợp tình”.

Đọc thêm