Hơn 1,2 triệu trẻ em được cấp số định danh khi đăng ký khai sinh

(PLO) - Nhằm hiện thực hóa các quy định về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch và Quyết định số 2173/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp với Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực triển khai các phần mềm, ứng dụng thuộc Hệ thống thông tin (HTTT) đăng ký và quản lý hộ tịch. Đến nay, những kết quả đạt được là rất tích cực, vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra và được xã hội ghi nhận.
Sẽ sớm thực hiện liên thông thủ tục đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (trong ảnh: Lãnh đạo TP Đà Nẵng trao giấy khai sinh, thẻ BHYT và  sổ hộ khẩu của các em bé tại gia đình).
Sẽ sớm thực hiện liên thông thủ tục đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (trong ảnh: Lãnh đạo TP Đà Nẵng trao giấy khai sinh, thẻ BHYT và sổ hộ khẩu của các em bé tại gia đình).

2 năm mở rộng thực hiện tại 35 địa phương

Thời gian đầu việc triển khai được thực hiện thí điểm tại TP Hà Nội và 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi triển khai của Dự án “Thí điểm thiết lập HTTT đăng ký và quản lý hộ tịch” gồm TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nghệ An. Dự án thí điểm cũng đặt ra nhiệm vụ từng bước thiết lập HTTT quản lý dữ liệu hộ tịch điện tử thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng thời bước đầu hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại các địa phương được lựa chọn tham gia triển khai thí điểm, bảo đảm kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau 2 năm tích cực xây dựng và triển khai Dự án thí điểm, đến nay đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc được Bộ Tư pháp hỗ trợ triển khai các phần mềm thuộc HTTT đăng ký và quản lý hộ tịch, trong đó có 26 địa phương đã chính thức triển khai, đưa vào sử dụng. Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã góp phần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về hộ tịch cho người dân tại các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch.

Tính đến hết ngày 28/6/2018, trên toàn Hệ thống đã ghi nhận có 7.072 công chức tư pháp - hộ tịch tại 4.736 UBND cấp xã, 309 Phòng Tư pháp cấp huyện và 26 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày trên Hệ thống. Đây là HTTT có phạm vi đơn vị và số lượng người dùng tham gia sử dụng lớn nhất từng được Bộ triển khai từ trước đến nay.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã dần được hình thành và đồng bộ tại 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 1.882.548 trường hợp đăng ký khai sinh. Trong đó có 1.200.832 trường hợp trẻ em là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (tính đến thời điểm cập nhật dữ liệu vào Hệ thống) đăng ký khai sinh lần đầu được cấp Số định danh cá nhân; 340.238 hồ sơ được đăng ký kết hôn; 697.289 lượt cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 265.738 trường hợp được đăng ký khai tử; 1.469 trường hợp được đăng ký giám hộ; 10.468 trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; 1.204 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 19.677 lượt đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; 423 lượt xác định lại dân tộc; 16 lượt xác định lại giới tính và gần 7 triệu công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên toàn Hệ thống.

Sớm liên thông với bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi

Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai HTTT đăng ký và quản lý hộ tịch cho các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện triển khai và đã có văn bản chính thức đăng ký triển khai thì theo lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, một định hướng quan trọng tới đây là kết nối Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để từ đó triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thời gian qua, ngành BHXH đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành thông qua trục tích hợp dữ liệu quốc gia. Ngành BHXH đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tư pháp, Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT  thảo luận các giải pháp thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế. Đến nay, các bên đã thực hiện thí điểm truyền, nhận dữ liệu lên trục tích hợp thông qua đầu mối Bộ TT&TT và thống nhất được các trường thông tin truyền, nhận.

Tuy nhiên, Thông tư số 15/2015-TT-BTP và Thông tư liên tịch 05 không quy định cán bộ hộ tịch điền thông tin về mã và tên cơ sở khám chữa bệnh để chuyển dữ liệu sang BHXH cấp thẻ BHYT. Do vậy, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận dữ liệu và cấp thẻ BHYT của ngành BHXH do thiếu thông tin danh mục cơ sở khám chữa bệnh. Mặt khác, việc xây dựng và chuẩn hóa danh mục cơ sở khám chữa bệnh hiện do ngành BHXH tự xây dựng để phục vụ cho các phần mềm nghiệp vụ của ngành nên tính pháp lý không cao, khó sử dụng thành danh mục dùng chung cho các bộ, ngành.

Đại diện BHXH Việt Nam kiến nghị, để việc chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa BHXH Việt Nam, Bộ Tư pháp... thông qua trục tích hợp dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT làm đầu mối cần có giải pháp về mặt pháp lý quy định ban hành, bổ sung danh mục và mã cơ sở khám chữa bệnh vào thông tin và dữ liệu truyền nhận giữa Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam và Bộ TT&TT. Đồng thời, trước mắt chỉ lựa chọn thí điểm một số đơn vị thực hiện, sau đó mới đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. 

Đọc thêm