Hơn 100 tỷ đồng làm 3,8km đường

(PLO) - Hơn 100 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp khoảng 3,8km đường nhưng nhà thầu vẫn phải thi công nhảy cóc vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng…
Dự án đường dài 3,8km, được phê duyệt đầu tư lên đến hơn 100 tỷ đồng
Dự án đường dài 3,8km, được phê duyệt đầu tư lên đến hơn 100 tỷ đồng
Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ (BQLXD Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - chủ đầu tư thực hiện dự án nâng câp, mở rộng đường Tam Kỳ-Tam Thanh (đường ĐT 616 cũ), tháng 6/2014 dự án khởi công, dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành. Hiện đang gấp rút bồi thường để cuối năm nay thảm nhựa xong 3,8km đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BQLXD Tam Kỳ cho biết, tuyến đường mở rộng, nâng cấp Tam Kỳ-Tam Thanh có chiều dài 3,8km, bề rộng mặt đường thảm nhựa 15m, không có thiết kế vỉa hè, hệ thống thoát nước được phê duyệt đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu thi công là Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An (DIC).
Dự án đi qua phường An Phú và xã Tam Phú có 301 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 26 hộ bị giải tỏa trắng. Hiện đã có 130 hộ đồng ý nhận tiền bàn giao mặt bằng và đơn vị thi công đã thảm nhựa được hơn 1km, thi công nền đường được khoảng 0,2km. 
Tuy nhiên, người dân  sống hai bên đường phản ánh việc thi công nhảy cóc đã gây phiền hà cho dân như bụi mù mịt, đường ổ voi, trời mưa nước trên đường đổ thẳng vào nhà dân ngập nước. Người dân cho rằng, chính giá đền bù chỗ cao, chỗ thấp nên không đồng ý bàn giao mặt bằng là nguyên nhân buộc đơn vị thi công phải thi công nhảy cóc. 
Ông Ngô Đúng, phường An Phú cho biết, nhà ông bị thu hồi gần 200m2 đất ở nhưng chỉ được áp giá đền bù 500 nghìn đồng/m2, trong khi ngay ngã ba Bà Tá, cách nhà chừng 500m, cũng ở phường An Phú nhưng  được đền bù hơn 1,5 triệu đồng/m2. Vì vậy, ông không đồng ý bàn giao mặt bằng. Khi được hỏi về số tiền đầu tư cho con đường dài 3,8km lên đến hơn 100 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù, giải tỏa chiếm gần một nửa, ông Đúng không tin đó là sự thật. 
“Mở rộng, nâng cấp có 3,8km mà đầu tư hơn 100 tỷ đồng, thật hay giỡn vậy? Nghe tiền đền bù, giải tỏa chiếm gần một nửa nhưng các hộ dân có ai nhận được đền bù quá 1 tỷ đồng đâu. Trong khi giá đền bù, hỗ trợ quá thấp, dân không đồng tình nên vẫn chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng nên đường phải thi công nhảy cóc, nham nhở…”- ông Đúng bức xúc.
Trả lời việc dự án đầu tư “khủng” này vướng mặt bằng do đền bù,  Giám đốc Tuấn giải thích, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản ủy quyền cho UBND các huyện, TP thuộc tỉnh xây dựng bảng giá đền bù, hỗ trợ cụ thể cho từng dự án. Hiện BQL đã xây dựng bảng giá cụ thể gửi Sở TN&MT thẩm định rồi chuyển lại cho UBND TP.Tam Kỳ phê duyệt để áp giá đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này. 
“UBND TP. Tam Kỳ đã đồng ý chủ trương cho phép BQL ký hợp đồng với đơn vị tư vấn khảo sát, xây dựng giá cụ thể phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện đơn vị tư vấn đang triển khai nghiên cứu, xây dựng giá cụ thể của tuyến đường phân thành 3 khu vực: cao nhất là 1.150.000 đồng/m2, 1.000.000 đồng/m2 và 890.000 đồng/m2. Như vậy, giá mới sẽ cao hơn giá đền bù cũ”- ông Tuấn cho biết. Theo ông Tuấn, nếu phương án giá mới này được phê duyệt thì cuối tháng 5 này sẽ giải tỏa xong mặt bằng phần còn lại để bàn giao cho đơn vị thi công để thi công xong phần còn lại.
Được biết, theo Quyết định số 3386 ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường Tam Kỳ-Tam Thanh,  giai đoạn 1 của tuyến đường này gồm hạng mục nền, mặt đường và công trình. 
Tổng vốn đầu tư là 100.951.250.000 đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 47,7 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 35,8 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 762 triệu đồng; chi phí tư vấn hơn 3,1 tỷ đồng; chi phí khác hơn 1,1 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 12 tỷ đồng. 
Tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân và nhu cầu vận tải trong vùng, tăng cường khả năng liên kết phát triển vùng, đồng thời góp phần phục vụ kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra; góp phần ổn định sản xuất và cải thiện đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực, kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của địa phương.

Đọc thêm