Hơn 130.000 giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch bệnh COVID-19 đợt bùng phát lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 18/1/2022), toàn ngành giáo dục có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19.
Hơn 90% học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine.
Hơn 90% học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine.

Sáng nay, 19/1, hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục được tổ chức.

Báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và công tác tổ chức dạy học tại các địa phương, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ GD&ĐT cho biết, từ khi bùng phát dịch thứ 4, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Đại dịch tác động rất lớn tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh.

Từ ngày 27/4/2021 đến 18/1/2022, toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Tính đến 17h ngày 18/1, theo số liệu báo cáo của các Sở GD&ĐT, hiện có 4.797 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngành đang điều trị.

Tại TP HCM, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, có 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%. Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ này là rất thấp.

Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho học sinh 12-17 tuổi. Cụ thể, tính đến ngày 15/1/2022, số học sinh đã được tiêm mũi 1 là hơn 6,5 triệu (trên tổng số 7.213.883 học sinh); số học sinh tiêm mũi 2 là hơn 5,2 triệu (đạt 72,24%).

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học được tiêm mũi 2 là hơn 1,22 triệu (trên tổng số 1.494.618 người). Còn số đã tiêm mũi 3 là 422.519 người (đạt 28,2%).

Hiện nay, có 14/63 tỉnh, thành dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Số địa phương dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình là 30/63 tỉnh, thành phố. Trong khi đó có 19 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình.

Ông Đề cũng đề xuất các cơ sở ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ hơn với ngành y tế khi xây dựng phương án mở của trường cho học sinh trở lại.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo khuyến cáo của UNICEF, theo kinh nghiệm của các quốc gia, khi có dịch COVID-19, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và khi an toàn thì nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học.

Theo ông Hưng, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Trước đó, ngày 18/1 Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.

Hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Đọc thêm