Giữa những ngày TP HCM chuẩn bị vào xuân, một nhóm các họa sĩ Hà Nội đã có một cuộc triển lãm mang tên Ngũ sắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Người thưởng lãm như được đằm mình vào không khí trầm tĩnh với những gam màu của phố phường, của làng quê, của sông núi nơi đất Bắc...
Mỗi họa sỹ mang đến một xúc cảm thẩm mỹ riêng, mỗi người một chất liệu, một phong cách, nhưng, trong tranh đều có điểm chung là thấm đẫm chất Bắc. Những làng quê Việt, những mái đình, dòng sông, thiếu nữ nơi rẻo cao hay làn điệu quan họ được thể hiện sống động qua những mảng màu tối sáng, đưa người xem lạc vào không gian Bắc Bộ đẹp một cách sâu lắng, thâm trầm qua nghìn đời.
Tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Văn Chiến |
Đáng chú ý, tại Triển lãm, người ta gặp lại họa sĩ Văn Chiến, với gần 20 tác phẩm chất liệu sơn mài. Tranh của ông treo tại triển lãm lập tức thu hút ánh nhìn bởi kĩ thuật sáng tác đặc biệt: Họa sĩ gắn các loại vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ xà cừ với các màu đặc trưng rất tự nhiên, tạo nên nét đẹp riêng mang bản sắc Văn Chiến trong mỗi tác phẩm.
Họa sĩ Văn Chiến (vốn là họa sĩ thiết kế chính của báo Pháp luật Việt Nam) không xa lạ với giới hội họa trong nước, đặc biệt, khi nhắc đến tên ông, người ta lập tức nhớ đến một chất liệu lạ: Sơn mài trứng. Gần chục năm trước đây, Văn Chiến, với sự mày mò tìm kiếm, đã tìm ra cho mình một chất liệu khác lạ để tạo nên những bức tranh độc đáo: Vỏ trứng. Để rồi, từ những miếng vỏ trứng trắng ngà áp lên tranh sơn mài của những buổi đầu, thì ngày nay, Văn Chiến đã đi đến một kĩ thuật cao hơn: Nung vỏ trứng tạo ra gam màu như ý.
Sau Văn Chiến, nhiều họa sĩ trẻ cũng đã dùng vỏ trứng để tạo sự khác lạ cho tranh sơn mài của mình, thế nhưng, làm được như Văn Chiến thì không mấy ai: Ngoài màu sắc tự nhiên ngà ngà, Văn Chiến còn "biến hóa" khiến những mảnh vỏ trứng có thêm nhiều màu sắc khác, phù hợp với nhu cầu trong tác phẩm: Trứng nung vừa đủ thì thành nâu đất, nung quá lửa thì nâu đen, nâu sậm...
Văn Chiến chia sẻ, ông mày mò tìm ra chất liệu vỏ trứng, bởi ngày trước, muốn tạo những gam màu "lạ" như thế cho tranh sơn mài, thì phải dùng bạc pha. Thế nhưng, qua thời gian, bạc bị ô xy hóa, mất đi màu sáng đẹp ban đầu. Với vỏ trứng, thứ màu ấy tồn tại gần như vĩnh cửu.
Có đến nhìn kỹ từng chi tiết trong tranh Văn Chiến, mới thấy cái kì công và vẻ đẹp mà vỏ trứng đem lại cho những tác phẩm hội họa: Những mái ngói nâu đen bằng những mảnh vụn vỏ trứng ánh lên như khảm xà cừ, con đường đá mà vỏ trứng đã khiến chúng mang một vẻ sống động kì lạ... Văn Chiến kể, có nhiều bức tranh ông phải dát trứng mất nửa năm trời, vì vẽ lên tranh một mảng màu không khó, nhưng dát lên tranh một mảng vỏ trứng thì trải qua quá nhiều giai đoạn đầy công phu. Vì thế mà bức tranh mới thật và tinh tế.
Tại buổi triển lãm Ngũ sắc có một bức tranh khá đặc biệt của họa sĩ Văn Chiến, đó là bức Bên bờ sông Vân. Bức tranh cao 80 cm, dài 4 mét, khắc họa đủ mặt sau của con phố Tam Bạc, Hải Phòng. Phố Tam Bạc, con phố khá nổi tiếng với giời hội họa, vì đã trở thành khung cảnh cho không ít bức tranh.
Nhưng mặt sau của con phố ấy, Bên bờ sông Vân của Văn Chiến có cái gì đó lạ lắm. Ông bảo, phố Tam Bạc, mặt trước là bao nhiêu cái xô bồ, ồn ã của cuộc sống hiện đại, nhưng mặt sau lại xập xệ, u buồn, mệt mỏi như những phận người nhìn từ phía sau những hào nhoáng màu mè. Để có được bức sơn mài với trứng, xà cừ và vàng dát ấy, Văn Chiến đã có hơn nửa năm "nằm vùng" bên bờ sông Vân, đã vẽ bao nhiêu bức về phố Tam Bạc, đến khi đủ hiểu và đưa cái thần của con phố, con người vào trong tranh.
Ngày nay, con phố nổi tiếng ấy đã trở thành vườn hoa. Bức tranh của Văn Chiến đã trở thành một phần lưu giữ kí ức về phố Tam Bạc.
Mỗi bức tranh, đều chứa đựng nhiều sự tích, nhiều ý nghĩa lạ lùng như thế.
Ngọc Mai