Hôm qua (20/10), Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.
Nên điều chỉnh văn bản cấp tỉnh?
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Hồng, Dự thảo Pháp lệnh chỉ quy định về việc hợp nhất đối với VBQPPL của các cơ quan nhà nước trung ương. Ông Hồng phân tích, quy trình xây dựng, ban hành các VBQPPL của HĐND, UBND được điều chỉnh bởi một luật riêng – Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND. Trong khi đó, Pháp lệnh này được ban hành để quy định chi tiết Điều 92 của Luật ban hành VBQPPL năm 2008. “Việc tập trung thực hiện tốt hợp nhất văn bản do các cơ quan nhà nước trung ương ban hành là để bảo đảm tính khả thi và tính hiệu quả của các quy định”, ông Hồng giải thích.
Rất nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo Pháp lệnh và cho biết thêm, những khó khăn, bất cập của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu văn bản chủ yếu là từ văn bản do các cơ quan nhà nước trung ương ban hành. Đối với văn bản của địa phương, số lượng văn bản sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua không nhiều, việc sửa đổi, bổ sung văn bản đơn giản hơn nên ít ảnh hưởng đến việc tra cứu, tìm hiểu áp dụng văn bản.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thọ (Vụ Pháp luật, VPCP) nhấn mạnh, cách lập luận trên không sai nhưng có phần máy móc, cứng nhắc. Theo ông Thọ, hợp nhất chỉ là vấn đề thuần túy mang tính kỹ thuật và việc quy định hợp nhất cả văn bản của địa phương sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về thẩm quyền, quy trình, thủ tục hợp nhất. Vì vậy, ông Thọ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Pháp lệnh bao quát cả việc hợp nhất các VBQPPL của địa phương.
Giá trị pháp lý – “ông” nói có, “bà” bảo không!
Một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của các đại biểu là liệu văn bản hợp nhất sẽ có giá trị đến đâu, chỉ để tra cứu hay phải có giá trị pháp lý như văn bản gốc? Dự thảo Pháp lệnh quy định nguyên tắc: “Văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật. Trường hợp văn bản hợp nhất có nội dung khác với nội dung văn bản được hợp nhất thì áp dụng nội dung của văn bản được hợp nhất”.
Bà Lâm Thị Mỹ Hạnh (Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhất trí với quy định của Dự thảo bởi văn bản hợp nhất không tạo ra VBQPPL mới nên không thể thay thế, hủy bỏ các văn bản được hợp nhất. “Nếu cho rằng cần cho văn bản hợp nhất giá trị pháp lý cao thì mỗi lần cần sửa đổi, bổ sung nội dung của một văn bản, chúng ta cũng sẽ phải ban hành một văn bản mới theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành VBQPPL. Và như vậy, các quy định về việc sửa đổi, bổ sung VBQPPL sẽ không còn giá trị nữa và cần phải loại bỏ chúng ra khỏi Luật ban hành VBQPPL. Điều đó là không hoàn toàn hợp lý và khả thi”, bà Hạnh nói.
Ngược lại, ông Nguyễn Viết Khương (Vụ Pháp chế, Bộ Công thương) đề nghị, văn bản hợp nhất phải có giá trị pháp lý, giá trị sử dụng như một VBQPPL thông thường, cần thiết được đăng Công báo (Công báo điện tử). Đồng thời, mọi nguồn trích dẫn từ văn bản hợp nhất đều được coi là nguồn chính thống và có giá trị pháp lý như các văn bản khác. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Đức San còn lo ngại, việc quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến tâm lý “hoài nghi” về giá trị của văn bản hợp nhất đối với những người có nhu cầu sử dụng chúng, khiến họ phải làm thêm một động tác là tìm kiếm các văn bản được hợp nhất để so sánh, đối chiếu mỗi khi sử dụng.
Hoàng Thư