Huế sẽ là đô thị xanh và thông minh

(PLO) - TP Huế có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Những năm gần đây, thành phố này đã có những bước đột phá trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị làm cho bộ mặt thành phố khang trang, sạch đẹp hơn. PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP Huế xung quanh những thay đổi đáng ghi nhận nói trên.
Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành
Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành

Thưa ông, Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp… Những lợi thế đó đã có tác động như thế nào đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương?

- Đảng bộ thành phố xác định, Cố đô Huế có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cả về điều kiện tự nhiên lẫn văn hoá. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để khai thác tối đa lợi thế này. Trong năm 2016, lượng khách đến Huế đạt trên 2 triệu người, doanh thu ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách đến Huế đạt 1.403,1 nghìn lượt, tăng 87,2%.  Có thể nhận thấy bức tranh kinh tế - xã hội của TP Huế ngày càng có nhiều gam màu sáng. Vai trò, vị thế của Huế ngày càng được khẳng định.

Theo ông đô thị Huế sẽ phát triển theo mô hình nào?

- TP Huế sẽ không phát triển như các đô thị công nghiệp sầm uất, đô thị hóa nhanh như các thành phố khác mà sẽ phát triển theo mô hình đô thị “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá mà theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục và khoa học công nghệ. 

Sắp tới, thành phố có những quy hoạch nào mang tính chiến lược, thưa ông?

- Chúng tôi đang tiếp tục hoàn chỉnh đồ án lập quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt bản vé thi công. Dự kiến, tháng 7/2017 triển khai thi công thí điểm. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh. Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường du lịch trọng điểm; hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, ngầm hoá hạ tầng viễn thông… 

Chúng tôi đã xây dựng xong các tuyến đường như: Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ và trục đường Tố Hữu… mang tính thẩm mỹ cao. Có thể nói, đây là những công trình đem lại dấu ấn cho bộ mặt đô thị Huế. Ngoài việc đầu tư mới, chúng tôi cũng cho tháo dỡ những công trình không phù hợp như hệ thống tường rào dọc công viên hai bên bờ sông Hương để tạo cảm giác thân thiện, thông thoáng cho người đi bộ. Chúng tôi cũng sẽ tập trung đầu tư các công trình có chất lượng, có thẩm mỹ để tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm thành phố.

Trước đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dừng lập hồ sơ để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ thành di sản, quan điểm của ông thế nào?

- Sông Hương hiện đã tạo ra dáng vẻ rất đẹp trong lòng thành phố.Theo tôi không nhất thiết phải làm. Cái quan trọng là chúng ta phải biết ứng xử, quản lý, khai thác, giữ gìn những giá trị như vốn có và xem sông Hương như là con sông di sản.

Ông có thể cho biết công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, phát triển đô thị… của thành phố?

- Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã có hàng chục đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc về các chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, hạ tầng đô thị... 

Đặc biệt, thời gian qua, thành phố đã đàm phán, hợp tác thành công các dự án trọng điểm như dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương” với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); dự án cải thiện môi trường nước TP.Huế từ nguồn vốn ODA Nhật Bản; dự án quy hoạch thành phố thông minh do Hàn Quốc tài trợ. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi tiếp nhận 3 dự án ODA với tổng vốn hơn 220 triệu USD. Thành phố cũng đã tiếp nhận viện trợ không hoàn lại cho các công trình phúc lợi xã hội hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, thành phố có quan hệ hợp tác với 43 đối tác, trong đó có các thành phố, vùng lãnh thổ, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ...

Thừa Thiên Huế xác định năm 2017 là “Năm doanh nghiệp”, vậy thành phố có những chính sách hỗ trợ gì?

- Thành phố sẽ  hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư cũng như làm ăn trên địa bàn. Theo đó, sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại, tham vấn ý kiến và sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. 

Thành phố đã giao cho một  Phó Chủ tịch làm Trưởng ban để giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và xem đây là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố. 

Xin ông cho biết một số nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới?

- Thành phố sẽ tập trung khắc phục những khó khăn và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: đẩy mạnh thu ngân sách, tăng cường các biện pháp chống thất thu, có biện pháp quyết liệt việc thu nợ tiền sử dụng đất quá hạn và một số nguồn thu còn thấp. 

Hai là: kêu gọi đầu tư các điểm du lịch, tham quan vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng các mặt hàng lưu niệm của thành phố. 

Ba là: tăng cường xử lý triệt để tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách, bảo đảm trật tự, an toàn, văn minh tại các điểm đến tham quan. 

Bốn là: triển khai quyết liệt kế hoạch di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư.

Năm là: Thực hiện các biện pháp để bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, trốn, lậu thuế...

Cảm ơn ông!

Đọc thêm