Hưng Yên yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ và có phương án bảo vệ đê điều

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè trong mùa mưa lũ, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương có tuyến đê xây dựng các phương án bảo đảm an toàn, chủ động tu sửa công trình đê, kè, cống xuống cấp.
Tăng cường phương án bảo vệ đê điều mùa mưa lũ.
Tăng cường phương án bảo vệ đê điều mùa mưa lũ.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 2 tuyến đê gồm đê tả sông Hồng và đê tả sông Luộc với tổng chiều dài hơn 79,7km. Năm 2021, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh đã tiến hành hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, như: Tu sửa đê bị lún sụt mái đê phía sông đoạn K99+495-K99+830 đê tả Hồng, huyện Khoái Châu. Tu sửa khẩn cấp kè Phi Liệt đê tả sông Hồng, huyện Văn Giang; xử lý cấp bách sự cố sạt lở kè Nghi Xuyên, huyện Khoái Châu; tu sửa, xử lý khẩn cấp kè Thụy Lôi, sự cố sạt lở kè Phú Hùng Cường, thành phố Hưng Yên.

Qua đánh giá hiện trạng đê, kè trước mùa mưa lũ năm nay của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, trên các tuyến đê, kè, cống còn nhiều tồn tại chính cần lưu ý, theo dõi chặt chẽ và có phương án ứng phó thích hợp với lũ. Trên tuyến đê tả sông Hồng, đoạn từ K76+894 đến K124 +824 có nhiều sự cố trọng điểm. Toàn tuyến hiện có 51 điếm canh đê, trong đó có 12 điếm xuống cấp cần tu sửa và 1 điếm cần xây dựng mới. Trên toàn tuyến, đến nay có hơn 37,5 km đã có tre chắn sóng, hơn 13,6 km chưa trồng được tre và 4,9 km không trồng được tre do có khu dân cư, đỉnh kè sát chân đê và các đầu dốc.

Năm 2016 đã xây dựng 38 giếng giảm áp tại xã Mai Động, Phú Thịnh, nhưng từ đó đến nay chưa được thử thách với lũ. Các vị trí rạn nứt mặt đê năm 2016 thuộc khu vực các huyện Văn Giang, Khoái Châu trong mùa mưa, bão năm 2022 cần theo dõi chặt chẽ. Những nơi trước đây đã xảy ra nứt đê, nơi có đầm, ao sát chân đê và những khu vực có nhiều tổ mối, những điểm mặt thoáng sông rộng chưa có tre chắn sóng là những vị trí có thể xảy ra sự cố khi lũ cao, cần chuẩn bị các phương án để sẵn sàng ứng phó.

Đặc biệt, tháng 4.2021, khu vực vị trí mặt cắt A64 của kè tương ứng K105+917-K105+955 đê tả Hồng (kè sát đê) xuất hiện một cung sạt dài 38m, mái kè có hiện tượng lún đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp kinh phí để xử lý cấp bách, thi công hoàn thành tháng 10.2021. Tuy nhiên khu vực này do chế độ dòng chảy phức tạp, dòng chủ lưu áp sát bờ, kè gần và sát đê; nhất là đoạn thượng và hạ lưu đoạn cung sạt đã xử lý năm 2021 có khả năng xu thế biến dạng, lún sụt. Vì vậy trong lũ cần theo dõi chặt chẽ và có phương án bảo vệ. Ngoài ra, một số cống qua các tuyến đê sông Hồng, sông Luộc do được xây dựng nhiều năm trước, đến nay đã xuất hiện nhiều sự cố cần được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè, cống trong mùa mưa lũ, cần xác định trọng điểm xung yếu và xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm. Theo đó, tỉnh xác định 3 trọng điểm xung yếu của tỉnh và xây dựng phương án bảo vệ. Các huyện, thành phố xác định 9 trọng điểm, đồng thời xây dựng chi tiết phương án bảo vệ. Ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước ở các kho bãi gần đê, đất dự trữ để sẵn trên đê, các địa phương cần có phương án dự trữ vật tư trong dân để đáp ứng yêu cầu xử lý trọng điểm và hộ đê toàn tuyến của tỉnh. Các địa phương cần tổ chức lực lượng, chuẩn bị dụng cụ tại chỗ; xây dựng phương án di dời, bảo đảm an toàn cho Nhân dân trong vùng bãi sông mùa mưa lũ.

Đọc thêm