Dấu hiệu của bệnh
BS Chính giải thích vắn tắt, bệnh trầm cảm sau sinh (TCSS) có nghĩa sản phụ trở nên âm thầm, ít nói, ít hành động (cảm xúc trầm xuống). Đây là dạng bệnh lý tâm thần nhẹ, nếu không chữa trị kịp thời dễ dẫn đến tâm thần phân liệt, tổn thương não.
Cụ thể, trong quá trình mang thai hoặc khi sinh nở xong, người phụ nữ không được chồng quan tâm, chia sẻ vất vả sẽ lo lắng, buồn chán. Khi tình trạng trên kéo dài dẫn đến TCSS.
Khi bị TCSS, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng quá mức. Một số dấu hiệu sớm của bệnh như: Sau sinh, bà mẹ hay ghen dù chồng vẫn yêu chiều; hoặc đẻ xong tự nhiên cảm thấy ghét đứa con vừa sinh ra dù không lí do.
Những biểu hiện của TCSS: Suy nhược cơ thể, cảm giác mệt mỏi, đuối sức, không thể tập trung vào công việc, mất niềm tin cuộc sống. Triệu chứng nữa là bà mẹ lo lắng bất thường, lo lắng quá mức.
Ví dụ khi cho con ăn quá một thìa sữa đã hoảng hốt, la mắng người khác. Trong đó dễ thấy nhất là triệu chứng mất ngủ, khó ngủ, mất tập trung.
Khi bị TCSS, các bà mẹ thường đổ lỗi cho ai đó. Ví dụ họ cho rằng đứa con vừa sinh ra phá vỡ hạnh phúc vợ chồng sẽ trở nên ghét bỏ con. Hoặc nếu đổ lỗi do chính mình, bệnh nhân TCSS sẽ có những hành động tự huỷ hoại bản thân, thậm chí là tự vẫn.
Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hãm hại nên tìm cách trả thù, đối phó với bất kì ai đó: “Cũng có những bà mẹ nghĩ con mình là ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, điều này nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ. Nói chung là sản phụ sau sinh bị trầm cảm sẽ có những biểu hiện cảm xúc khác lạ. Người phụ nữ không biết tại sao luôn có ý nghĩ bất mãn, không ai quan tâm, cuộc sống không hạnh phúc”, BS Chính tóm tắt.
Đến nay, rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra TCSS. BS Chính phân thành hai nhóm, đó là nhóm bệnh nhân xác định được nguyên nhân (chủ yếu do mâu thuẫn vợ chồng, lo lắng kinh tế), và nhóm không rõ nguyên nhân.
Các nhà khoa học lý giải, bệnh TCSS do nội tiết ở phụ nữ thay đổi. Cụ thể lúc mang thai, các nội tiết tố nữ tăng lên cao để phát triển các cơ quan phục vụ thiên chức làm mẹ (tuyến vú). Nhưng sau sinh, sản phụ bị mất máu, não tổn thương dẫn đến trầm cảm.
|
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Chính giải thích nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. |
Đặc biệt nội tiết tố tuyến giáp giảm đột ngột sau khi sinh con khiến sản phụ mệt mỏi, chán nản. Khoa học chưa chứng minh được trầm cảm sau sinh có tính di truyền nhưng nhận thấy có yếu tố gia đình. Chẳng hạn người mẹ sinh con sau đó tự tử thì đứa bé sau này lớn lên dễ hành động tương tự.
Điều đáng lo ngại như BS Chính nhìn nhận, chứng trầm cảm sau sinh đang ngày càng tăng do nhiều áp lực trong xã hội hiện đại bởi các áp lực: Kinh tế, giới tính con cái sinh ra, lo lắng chăm sóc sức khoẻ con cái bằng với các gia đình xung quanh hoặc lo lắng nhan sắc sau sinh.
TCSS ảnh hưởng trực tiếp đến sản phụ, khiến họ không còn hứng thú với cuộc sống hôn nhân, đánh mất hạnh phúc. Tiếp đó là sức khoẻ sản phụ suy giảm, tâm lý suy sụp. Đặc biệt chứng mất ngủ khiến con người trở nên mất phương hướng, sinh ra hoang tưởng, mong muốn giải thoát bản thân nhưng bế tắc. Lưu ý những người có tiền sử bị TCSS, nguy cơ lặp lại khoảng 50%.
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa TCSS, BS khuyên phụ nữ tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận biết biết dấu hiệu của bệnh. Đồng thời gia đình cũng như sản phụ nên chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc sinh nở, hạn chế những mối lo âu (kinh tế, giới tính thai nhi).
Các chuyên gia y tế đưa lời khuyên, bà mẹ sau sinh nên ngủ nhiều hơn người bình thường, ít nhất từ 10 - 12h/ngày. Bên cạnh đó người thân, gia đình phải hỗ trợ, chia sẻ với phụ nữ mang thai đến thời kì hậu sản. Trong đó sự chia sẻ của người chồng có vai trò quan trọng nhất. Chẳng hạn như phụ giúp vợ bế con nhỏ, pha sữa, thay tã. Nói tóm lại phải tạo cho bà mẹ mới sinh con tâm trạng thoải mái nhất sẽ giảm thiểu nguy cơ TCSS.
Tiếp theo là việc phát hiện bệnh sớm mang lại khả năng hồi phục cao. Nếu chồng, người thân nhận thấy sản phụ có dấu hiệu mệt mỏi, hay cáu gắt vô cớ hoặc bất kì biểu hiện khác thường nào so với trước đó cần đưa đến bệnh viện thăm khám kịp thời.
Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn đầu thì sự giúp đỡ của họ có thể trị khỏi bệnh. Đặc biệt những phụ nữ bản năng nhạy cảm, hay lo lắng thì sau khi sinh rất dễ bị TCSS nên càng chú ý theo dõi kĩ: “Quan trọng nhất là bản thân các bà mẹ nếu nhận thấy tâm lý thay đổi cần nói ngay với người thân hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia”, BS Chính nói.
Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, gia đình nên cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có một người tin cậy bên cạnh người mẹ vừa sinh con xong, nhất là mấy tháng đầu. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì trị liệu bằng tâm lý cực kì quan trọng nhằm giúp người bệnh đối diện thực tế và tìm cách vượt qua. Có thể hướng bà mẹ tham gia các câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm, giải toả tâm lý.
Nguyên tắc chung trong điều trị người bị TCSS là loại bỏ triệt để nguyên nhân gây bệnh (trường hợp xác định được nguyên nhân). Nếu không phải kết hợp đồng bộ các biện pháp trị liệu: Tâm lý, dinh dưỡng, dùng thuốc.
Cần lưu ý bà mẹ sau khi sinh bị thiếu hụt rất nhiều dưỡng chất nên phải được bổ sung kịp thời, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng: “Bất cứ ai mang thai, sau khi sinh đều đối mặt với nguy cơ TCSS. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Phía gia đình, người thân phải chia sẻ, động viên để người phụ nữ không cảm thấy lo lắng hoặc bị tổn thương”, BS Chính kết luận./.