Theo đó, các cơ sở tham gia đấu thầu thu mua hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu có chủng loại, thành phần phức tạp, chất thải đi kèm rất phức tạp, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, phải có chức năng, kinh nghiệm và năng lực xử lý, tái chế loại hàng hóa, phế liệu này.
Cũng theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan nơi có hàng tồn đọng chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu (phế liệu trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu (NK) làm nguyên liệu sản xuất, phế liệu không trong danh mục phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất, hàng hóa là chất thải nguy hại…) báo cáo Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định về xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu.
Trên cơ sở các container hàng hóa phế liệu tồn đọng đã được phân loại, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng lập, phê duyệt phương án xử lý theo hướng bán hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản xác lập sở hữu toàn dân.
Đối với chủng loại phế liệu trong danh mục phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất, bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất, DN có năng lực sản xuất, xử lý, tái chế loại hàng hóa, phế liệu tương ứng, trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu tham gia đấu thầu thu mua.
Đối với chủng loại phế liệu không nằm trong danh sách phế liệu được phép NK làm nguyên liệu sản xuất; là chất thải thông thường, chất thải nguy hại, chất thải đi kèm phức tạp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thì chỉ các DN có năng lực xử lý, tái chế đối với loại hàng hóa, phế liệu tương ứng hoặc có năng lực xử lý loại chất thải tương ứng và đã được cơ quan có thẩm quyền, xác nhận đủ năng lực tham gia đấu thầu thu mua. Trong trường hợp không có đối tượng thu mua thì tiến hành xử lý tiêu hủy.
Trường hợp hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu có chủng loại, thành phần phức tạp, chất thải đi kèm rất phức tạp, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các cơ sở tham gia đấu thầu thu mua phải có chức năng, kinh nghiệm và năng lực xử lý, tái chế loại hàng hóa phế liệu này. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách thống kê, báo cáo Tổng cục Hải quan số lượng hàng hóa tồn đọng, chủng loại để có cơ sở phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tiến hành phân loại, xây dựng hồ sơ đăng ký thẩm định năng lực xử lý hàng hóa, phế liệu tồn đọng, tiếp nhận hồ sơ và đánh giá năng lực của những cơ sở tham gia đấu thầu thu mua để xử lý, tái chế.
Đối với các container hàng hóa hoàn toàn là chất thải thông thường, chất thải nguy hại, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ sở hữu theo quy định, chủ sở hữu chịu mọi phí tồn tiêu hủy. Nếu container hàng hóa được khai báo là phế liệu có ký quỹ bảo đảm phế liệu NK thì sử dụng kinh phí đã ký quỹ để phục vụ việc xử lý, tiêu hủy.