Hướng dẫn xử lý tội phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo VKSNDTC, thời gian qua, VKSND các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, góp phần phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội phạm trong lĩnh vực này gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phân biệt rõ hành vi cấu thành tội phạm

Theo VKSNDTC, quá trình áp dụng xử lý tội phạm quy định tại các Điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự (BLHS) gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Cùng một hành vi đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, có địa phương khởi tố, xử lý về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” theo Điều 348 BLHS, nhưng có địa phương lại khởi tố, xử lý về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 349 BLHS. 

Ngoài ra, việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS), việc xác định yếu tố “vụ lợi” (khoản 1 Điều 348 BLHS), “thu lợi bất chính” (điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 348 và điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 349 BLHS) hoặc việc áp dụng, xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội... trong các điều luật trên chưa được nhận thức, áp dụng thống nhất.

Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS), tại Văn bản số 1557/VKSTC-V1 ngày 20/4/2021,  VKSNDTC cho rằng: Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 3 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.

Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 BLHS là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,...) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài...; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,...). 

Ví dụ 1: A biết B đang bị cấm xuất cảnh, đã thuê người dẫn B qua đường mòn, lối mở để trốn sang Trung Quốc. Ví dụ 2: C có mục đích đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (thành lập công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên của Công ty, làm Visa cho D,...) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp.

Liên quan đến việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS), VKSNDTC hướng dẫn như sau: Điều 347 BLHS quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm...”. Do điều luật quy định 03 hành vi phạm tội độc lập (xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép), nên tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” được hiểu là đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương ứng.

Tùy vụ việc để có đánh giá chính xác

Đối với việc xử lý trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại Điều 348 BLHS, VKSND có quan điểm như sau: Điều 348 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội. Ví dụ 1: A tổ chức cho B xuất cảnh trái phép, sau đó A lại tổ chức cho B nhập cảnh trái phép thì bị xử lý về 2 tội.

Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì xem xét xử lý về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Ví dụ 2: C có mục đích cho E ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho E nhập cảnh trái phép để E ở lại Việt Nam, thì C bị xử lý về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 BLHS.

Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ, VKSNDTC cho rằng: Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài nhưng chưa đưa được qua biên giới thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt. 

Còn trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Để áp dụng pháp luật thống nhất, VKSNDTC đã có văn bản kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng theo thẩm quyền. Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan này, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, VKSNDTC yêu cầu VKSND các địa phương tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh. Kiên quyết xử lý hình sự những vụ việc có dấu hiệu tội phạm để răn đe và phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này, góp phần phòng chống dịch Covid-19. 

Đọc thêm