Hướng thành tích vào khu vực và châu lục

Hải Phòng luôn là đối thủ lớn ở thể thao nước nhà và liên tục bảo vệ thành tích xếp vị trí thứ 3 các tỉnh, thành phố trong cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội). Đó là bề dày truyền thống mà suốt 45 năm qua các thế hệ HLV, VĐV Trung tâm đào tạo VĐV Hải Phòng gìn giữ và vun đắp.

Cách đây hơn 1 năm, tại lễ khai trương phòng y học thể thao Trung tâm đào tạo VĐV thành phố, ông Nguyễn Danh Thái khi đó là Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu: “Hải Phòng là Trung tâm mạnh của thể thao, đóng góp nhiều thành tích vẻ vang cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nhiệm vụ của Hải Phòng là đào tạo những VĐV mang huy chương quốc tế về cho Tổ quốc, chứ không chỉ đoạt HCV ở các giải vô địch toàn quốc”. Đây là nhiệm vụ lớn mà Trung tâm đào tạo VĐV thành phố đã và đang thực hiện.

 

Các vận động viên Sport Aerobce của Trung tâm đào tạo vận động viên đoạt nhiều giải trong nước và quốc tế Ảnh: Duy Thính

Các vận động viên Sport Aerobce của Trung tâm đào tạo vận động viên đoạt nhiều giải trong nước và quốc tế

                                                                                  Ảnh: Duy Thính

Bề dày truyền thống

 

Hải Phòng luôn là đối thủ lớn ở thể thao nước nhà và liên tục bảo vệ thành tích xếp vị trí thứ 3 các tỉnh, thành phố trong cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội). Đó là bề dày truyền thống mà suốt 45 năm qua các thế hệ HLV, VĐV Trung tâm đào tạo VĐV Hải Phòng gìn giữ và vun đắp.

 

45 năm qua, Trung tâm đào tạo VĐV thành phố đã trưởng thành vượt bậc, trở thành ngôi trường lớn nhất của thể thao thành tích cao Hải Phòng. Dù cơ sở vật chất, trang thiết bị phần nhiều lạc hậu, kinh phí cho đào tạo VĐV thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khác, nhưng các bộ môn thể thao vẫn đào tạo ra VĐV thành tích cao mà các đơn vị khác khó đuổi kịp. Ở 3 môn thể thao quan trọng nhất là điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, Hải Phòng luôn đóng góp những VĐV mạnh, thậm chí nhiều thời điểm còn vượt lên dẫn đầu quốc gia. Thành tích của những VĐV Vũ Mỹ Hạnh, Nguyễn Ngọc Quân… (điền kinh), Phạm Thị Hà, Thùy Ninh, Thanh Xuân… (bơi lội); Kim Thoa, Nguyễn Thị Nga… (thể dục dụng cụ)...  vẫn là đích phấn đấu của nhiều thế hệ VĐV hôm nay.

 

Ngoài 3 môn trên, bóng bàn một thời nổi danh với cây vợt Trần Thu Hà. Cầu lông cũng thế, một tay vợt nữ Kim Anh đã rời xa thảm đấu từ lâu, nhưng vẫn được nhiều người nhắc tên mãi. Các môn võ thuật như vật, quyền Anh đóng góp những VĐV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tham dự Olympic và từng đứng đầu 2 môn này của cả nước. Nơi trường bắn, những xạ thủ đất Cảng luôn khẳng định vị trí dẫn đầu đàn của mình…

 

Trong vòng 5 năm trở lại đây, từ gần 20 môn thể thao, Trung tâm đào tạo VĐV thành phố phát triển lên 24 bộ môn thể thao với 270 VĐV, 126 HLV và 67 trọng tài. Tuyển chọn chuẩn, quy trình đào tạo nghiêm túc dựa trên đội ngũ HLV có trình độ VĐV Hải Phòng không chỉ đóng góp HCV cho đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực, mà còn vươn ra ở đấu trường châu lục. Phan Hà Thanh (thể dục dụng cụ)  trở thành VĐV đầu tiên của thể dục Việt Nam giành HCĐ giải vô địch châu Á. “Bông hồng nhỏ” này cùng Hữu Việt, Bùi Thị Nhung, Phạm Cao Sơn (bắn súng), Phạm Thị Huế (vật)… trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.

 

Mục đích là thành tích quốc tế

 

Khi thể thao Việt Nam hội nhập với quốc tế năm 1989, các VĐV Hải Phòng hầu như đóng góp những thành tích có tính mở đầu. Năm 1991, các VĐV Hải Phòng làm rạng danh đoàn thể thao nước nhà với tấm HCV bóng bàn của Trần Thu Hà, HCB quý như vàng của Vũ Mỹ Hạnh nhảy cao nữ,  cho ra đáp số về việc tìm kiếm HCV của Việt Nam ở môn điền kinh. Tại SEA Games 1997, hai nữ VĐV thể dục dụng cụ Hải Phòng là Nguyễn Thị Nga và Hải Ninh đã mang về HCV và HCB. Không kể những tấm HCV của võ – vật, bắn súng thì các VĐV Hải Phòng tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng khác. Tiêu điểm là nữ hoàng nhảy cao Bùi Thị Nhung và kình ngư Nguyễn Hữu Việt. Hữu Việt mang mang về Tổ quốc tấm HCV đầu tiên tại SEA Games sau hơn 40 năm chờ đợi.

 

Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu hưng thịnh, thể thao đỉnh cao Hải Phòng bộc lộ dấu hiệu tụt hậu do không kịp thích ứng với tình hình mới. Thể thao Việt Nam hội nhập toàn diện, kéo theo các môn thể thao mới cũng du nhập, các nơi đón nhận hồ hởi và làm rất tốt, trong khi Hải Phòng thì chỉ phát triển ở phong trào. Ngay cả thế mạnh cũ của thể thao đất Cảng cũng bị các địa phương chia huy chương, khiến vị thế dẫn đầu của Hải Phòng mờ nhạt dần.

 

Việc này không khó hiểu, bởi các địa phương đầu tư lớn từ kinh phí đến trang thiết bị luyện tập hiện đại, thuê chuyên gia nước ngoài hoặc đưa quân đi tập huấn nước ngoài dài hạn đã nhanh chóng vượt lên, còn Hải Phòng vẫn vẹn nguyên từ cơ sở vật chất, trang thiết bị huấn luyện đến cơ chế dinh dưỡng. Cuối cùng Hải Phòng quay trở về đào tạo “gà nòi”, công trình mà cựu Giám đốc Sở TDTT cũ Đoàn Thế Thiêm gây dựng, nhưng có khác là mục tiêu đào tạo VĐV phải hướng tới thành tích ngang bằng với khu vực, tiệm cận châu lục.

 

Thành tích của Trung tâm đào tạo VĐV 5 năm qua

-Huân chương Lao động hạng nhất

-Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban TDTT

-Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Cách làm mới mà cũ hướng vào đấu trường khu vực và châu lục của Trung tâm đào tạo VĐV khiến nhiều địa phương đầu tư lớn nhưng không hiệu quả phải khâm phục. Họ phát hiện Hải Phòng không đoạt nhiều HCV, nhưng tấm HCV của đất Cảng quá “đỉnh”. Vườn ươm tài năng của thể thao đất Cảng có quyền để tự hào.

           

Đỗ Hân

Đọc thêm