Hủy hoại tài sản công an để... "thể hiện bản lĩnh" với bạn nhậu

Nhàn cư vi bất thiện”, lại thêm hơi men trong người, nhóm trai làng say “quắc cần câu” sau cả đêm tranh cãi “ai là người bản lĩnh” táo tợn kéo đến… đập phá trụ sở Công an huyện.

Nhàn cư vi bất thiện”, lại thêm hơi men trong người, nhóm trai làng say “quắc cần câu” sau cả đêm tranh cãi “ai là người bản lĩnh” táo tợn kéo đến… đập phá trụ sở Công an huyện.

Mất trật tự an ninh tại nơi bảo vệ trật tự an ninh

Rạng sáng 4/2/2013, Trương Thành Tâm (22 tuổi, ngụ ấp 1, thị trấn Long Mỹ), Đinh Minh Thiện (25 tuổi, ngụ ấp 2, thị trấn Long Mỹ), Nguyễn Văn Bon (24 tuổi, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã đến đập phá nhà bảo vệ của công an huyện huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) trong tình trạng khật khưỡng “chân nam đá chân chiêu”.

Mẹ đi lấy chồng khác, hai cha con Tâm nuôi nhau trong căn nhà này.

Nội dung sự việc bắt đầu từ lý do cực kỳ lãng xẹt. Là bạn bè quen biết, khoảng 19h ngày 3/2, cả nhóm rủ nhau đến quán nhậu tại thị trấn Long Mỹ say sưa.

“Chén tạc chén thù”, cả 3 ngồi lì tại quán mặc cho đồng hồ đã điểm sang ngày mới từ lâu, bất chấp chủ quán đã dăm lần mệt mỏi nhắc khéo.

Đến khoảng 1h ngày 4/3, khi đều đã say “quắc cần câu”, 3 “đệ tử Lưu Linh” quay sang “bắt lỗi” câu nói của nhau. Chẳng ai chịu thua ai, nhóm bạn nhậu này xảy ra cãi vã quyết liệt, ai cũng cho rằng mình mới có bản lĩnh là “anh hùng thật”, còn đối phương chỉ là “anh hùng rơm”.

Cãi chán miệng mà chẳng ai chịu thua ai, một đối tượng nghĩ ra chiêu quái gở là thách thức nhau xem ai dám đến trụ sở công an huyện ở gần đó để… đập phá. Những “yêng hùng xóm” cho rằng đó là cách hay, sôi nổi hưởng ứng.

Vác can nhựa đập nhà bảo vệ “chọc giận” công an

Đi ngang cửa một nhà nghỉ gần trụ sở công an huyện, nhìn thấy một thùng nhựa cứng, đã qua sử dụng, để bên đường.

Tâm xách chiếc thùng nhựa trên tay, không nói không rằng, vác thùng nhựa thẳng tay đập mạnh vào cửa sổ bằng kính của nhà bảo vệ. Có lẽ sức của kẻ say rượu chưa đủ lực, lại thêm “hung khí” nhẹ hều nên cửa kính này không hề hấn gì, trong khi chiếc thùng nhựa Tâm cầm thì bị rớt xuống đất.

Thấy “quê” với bạn nhậu, Tâm quay sang gào thét chửi thề bâng quơ nhiều lần, tiếp tục xách thùng nhựa lên, đập mạnh liên tiếp vào cửa kính nhà bảo vệ, đến khi kính bể hoàn toàn mới chịu dừng tay lại. Khi thấy tốp cảnh sát chạy ra, gã say vội vã bỏ chạy, chưa được bao xa thì bị bắt.

Theo định giá, tấm kính bằng thủy tinh bị Tâm đập bể chỉ có giá trị 150 ngàn đồng. Về động cơ hủy hoại, đối tượng khai: “Do tôi nhậu xỉn, không làm chủ được lí trí của mình, khi bị bạn nhậu nói khích đã không kìm nén được cảm xúc, không suy nghĩ nên đã làm điều dại dột. Trước đó tôi không có ý định này”.

Xác minh tại địa phương, cảnh sát được biết Tâm có hoàn cảnh khá bi đát. Nhà nghèo, chàng trai chỉ học hết lớp hai thì nghỉ học, theo cha đi làm thuê làm mướn nuôi thân. Đối tượng được chính quyền địa phương xác nhận là ngoan, từ trước đến nay không có bất kỳ tiền án tiền sự nào ở địa phương.

Cảnh sát tạm thời tin tưởng lời khai hành vi liều lĩnh “chọc giận” công an của Tâm chỉ là bộc phát do bị bạn bè kích thích khi đã say rượu, không làm chủ được bản thân, chứ không có bất kì động cơ nào khác.  

Tài sản 150 ngàn vẫn cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản?

Dù giá trị tài sản bị Tâm hủy hoại chỉ rất thấp (150 ngàn đồng), chưa đủ định lượng tối thiểu theo quy định tại Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự là 2 triệu đồng, nhưng cơ quan chức năng cho rằng hành vi cố ý đập bể kính cửa sổ nhà bảo vệ trụ sở Công an huyện đã gây hậu quả nghiêm trọng, nên đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Khoản 1 điều luật nêu trên.

Bởi lẽ: Tâm là người đã có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn cố ý hủy hoại tài sản của cơ quan bảo vệ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; hành vi này lại diễn ra ngay trong đợt cao điểm công an mở chiến dịch tấn công, trấn áp tội phạm để mừng Đảng, mừng Xuân trong Tết Nguyên đán năm 2013…

Hành vi đã gây xôn xao dư luận, sự bất bình trong quần chúng nhân dân, làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Hành vi này chứng tỏ sự xem thường pháp luật, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác trấn áp tội phạm, gây bức xúc trong nhân dân…

Từ những lập luận trên, công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Tâm. Gia đình đối tượng đã bồi thường giá trị tài sản bị hủy hoại là 150 ngàn đồng cho Công an huyện Long Mỹ.

Riêng hai đối tượng Thiện và Bon, cơ quan điều tra nhận định là những người có liên quan đến vụ án; nhưng qua điều tra, xác minh, đã có cơ sở kết luận hai người này chỉ tham gia nhậu chung, cùng đi đến trụ sở công an huyện, không bàn bạc trước với Tâm về việc đập phá, đồng thời cũng không có hành vi đập phá nên không có cơ sở để xử lý hình sự.

Giữa tháng 4/2013 vừa qua, cơ quan công tố đã có cáo trạng truy tố, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ sang Tòa án cùng cấp đề nghị xét xử đối tượng Tâm về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Từ quyết định này, đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều mà chúng tôi sẽ phân tích ở cuối bài viết.

Chỉ nên xử án treo?

Đối lập với quan điểm của cơ quan chức năng, một số chuyên gia pháp lý cho rằng xử lý hình sự với hành vi đập vỡ tấm kính cửa sổ giá 150 ngàn ở nhà bảo vệ công an huyện là quá nặng.

Thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho rằng: “Bộ luật Hình sự đã khẳng định rất rõ ràng, mục đích của hình phạt là “để răn đe, giáo dục, cảm hoá, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện”. Cùng một hành vi cố ý đập vỡ kính cửa sổ với thiệt hại chỉ 150 ngàn đồng, nếu tấm kính trên là của cá nhân, doanh nghiệp mà không phải là công an huyện, anh trai làng chắc hẳn đã không đến mức phải chịu cái giá quá "đắt" là bị can trong vụ án hình sự.

Mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy tại sao lại phân biệt hành vi gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan Nhà nước thì lại nghiêm trị so với tài sản của các cá nhân tổ chức phi Nhà nước khác?. Phải chăng việc truy tố Trương Thanh Tâm chỉ nặng về hình phạt, bởi “dám động đến” cơ quan công an hơn là răn đe, cảm hóa, giáo dục?”.

Một luật sư khác thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội thì phân tích rõ ràng điều luật, để thấy rằng hành vi của Tâm đã cấu thành tội phạm, nhưng nên xử lý bằng hình thức tuyên phạt án treo.

Theo đó, để bị xử lý về Tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự, cần có các yếu tố: “Gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; Hoặc gây thiệt hại dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.

Trong vụ án này, hành vi đã gây thiệt hại dưới hai triệu đồng và bị can bị truy tố vì “gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, là một khái niệm hết sức trừu tượng, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP năm 2001 hướng dẫn tội danh này chưa xác định cụ thể thế nào là thiệt hại phi vật chất (là căn cứ viện dẫn mà cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố Trương Thành Tâm). “Những căn cứ cơ quan tố tụng đưa ra là có lý, nhưng cũng nên “giơ cao đánh khẽ” với một anh trai làng ít học, có hoàn cảnh khó khăn như trên đã nêu”, luật sư này đề nghị.

Đó cũng là nguyện vọng khẩn thiết của gia đình đối tượng. Trong căn nhà lá, cả gia đình ngày ngày mong ngóng đứa con lầm lỗi sớm quay về đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời. “Nó mới hơn 20 tuổi, tương lai còn dài ở phía trước, còn phải lấy vợ, lập gia đình. Tôi mong pháp luật xem xét sự việc, khoan hồng cho hành động trẻ người non dạ của con tôi”, người cha nức nở.

Nhóm phóng viên

Đọc thêm