Huyền thoại săn bắt cướp H88 (Kỳ 2)

Nhóm cướp “người bay” trên Quốc lộ 10 quy tụ toàn những “hung thần xa lộ”, chúng thoắt ẩn thoắt hiện, rạp người phóng trên những chiếc xe máy đuổi theo xe tải, rồi đu người lên thùng xe cắt hàng và biến mất chỉ trong thoáng chốc...

[links()]Huyền thoại săn bắt cướp H88 (kỳ 2): Mật phục phá băng "người bay", trắng đêm bàn kế "bẻ răng cá mập"

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, riêng "cướp đường" ở Hải Phòng đã có tới vài băng nhóm với những "ngón nghề" đặc trưng, không dùng “bài” trùng nhau. Nhóm cướp “người bay” trên Quốc lộ 10 là một minh chứng. Quy tụ toàn những “hung thần xa lộ”, chúng thoắt ẩn thoắt hiện, rạp người phóng trên những chiếc xe máy đuổi theo xe tải, rồi đu người lên thùng xe cắt hàng và biến mất chỉ trong thoáng chốc.

“Người bay” đột kích đường 10

Gọi là “người bay” vì nhóm cướp chẳng mấy khi hành động khi chân còn chạm đất. Nhắm thấy “con mồi” là những xe tải chở hàng đang bon bon trên đường, chúng phi hai xe máy áp sát vào đầu xe tải để kìm lại. Hai đối tượng ngồi sau rướn người đu lên thùng xe vần hàng xuống, thiện nghệ hơn cả làm xiếc.

 Những đêm trắng lập kế hoạch đánh án tại đội hình sự H88
Những đêm trắng lập kế hoạch đánh án tại đội hình sự H88.

Xe tải bị cắt hàng nhiều nhất ở đoạn Km 13 – Km 21, có khi còn quá sang địa phận Hải Dương, bọn cướp kết hợp với lưu manh bên này để “ăn” hàng liên tỉnh. Một thời gian rộ lên tình trạng hàng bách hóa bị cắt nhiều đến nỗi nhà xe đi qua tuyến này đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, coi như vận hạn chung của thời buổi nhiễu nhương.

Bọn cướp xuất quỷ nhập thần, cắt hàng nhanh như chớp, sau đó cả người cả hàng biến mất cũng nhanh như lúc xuất hiện. Chúng là dân thổ địa ở giáp đường 10, cứ cắt hàng xong lại rút về làng tìm cách tẩu tán hàng. Cậy gần nhà, lại được người làng bao bọc, nhóm cướp hành động ngày một trắng trợn.

Hình sự Hải Phòng ngày ấy có lần đã bị mang tiếng oan là bao che cho tội phạm. Theo lời kể của những trinh sát thời đó, rất khó để thâm nhập được vào “lãnh địa” nhóm cướp. Một người lạ mới lấp ló ở đầu làng, bên trong chúng đã biết, chuồn ra các lối đi mất. Đặc biệt tên đầu sỏ còn bỏ tiền nuôi cả đám “ong ve”, ăn không ngồi rồi chỉ để làm công tác cảnh giới. Đây là khâu khó khăn nhất mà cảnh sát phải hóa giải.

Với quyết tâm phải bắt bằng được bọn cướp, giải oan cho lính hình sự, lập lại trật tự trên tuyến đường, trinh sát đã nghiên cứu kỹ và phát hiện trong nhà tên trùm có một hố bí mật. Tên trùm mưu mô cho đào một hố vừa đủ một người đứng ở phía dưới kho đựng thóc, tính toán trong trường hợp bị truy lùng gắt gao, nếu các hướng đều đã bị công an mật phục, hắn chỉ việc nhảy tót xuống hố, kéo thùng đựng thóc che lại là thoát thân. Vì thế, những lần trước đó, công an đột xuất ập vào nhà khám xét, trước sau đều tuyệt nhiên không thấy một dấu vết.

Đợi gió mùa mới… dàn trận

Lúc ấy đang mùa đông. Dựa trên tài liệu điều tra, Đội Hình sự nhận định muốn tóm gọn đối tượng này, phải chờ… gió rét. Ai ở miền Bắc mới biết những đợt gió mùa Đông Bắc, thời tiết giá lạnh như thế nào. Trời lạnh căm căm, gió lùa hun hút như những mũi kim chọc vào người, ai cũng chỉ muốn nằm gọn trong nhà trùm kín chăn ấm áp. Chờ mãi đến đợt gió mùa Đông Bắc, đài báo rét đậm mấy ngày liền, kế hoạch bắt “người bay” được triển khai.

Đêm ấy, khi người người trong làng, kể cả những “chim lợn” đều đã cuộn mình trong chăn ấm, lính H88 xuất quân.

Khoảng 17h, các mũi trinh sát báo tin đã vào vị trí, vòng trong cùng là lính H88 mật phục quanh nhà đối tượng, không bị người làng nào phát hiện. 18h, trời nhá nhem tối, gió rét căm căm không ai muốn bước khỏi nhà, một đoàn công an có cả công an huyện, công an xã xồng xộ đi vào làng, rồi cửa trước nhà đối tượng.

Đang nằm trên giường, thấy một “chim lợn” phi" về báo tin, tướng cướp bật dậy, vọt ra sau đã thấy công an đứng lố nhố, lại thụt vào trong. Vừa lúc ấy đoàn cảnh sát “chính danh” đã đến trước cửa nhà đọc lệnh.

Lục soát trước sau đều không thấy, hỏi người nhà nói không biết, đội quân mật phục bên ngoài khẳng định chắc chắn đối tượng chưa ra khỏi nhà. Lúc ấy trinh sát mới đi thẳng đến gian để kho thóc. Trước ánh mắt sững sờ của người nhà, cảnh sát từ từ kéo thùng đựng thóc ra, lôi tên cầm đầu nhóm cướp “người bay” đang run như cầy sấy, vừa vì rét, vừa vì sợ, từ dưới hố lên.

Những “đệ tử” còn lại sau đó cũng lần lượt bị thộp cổ khi đang nháo nhác trốn chạy khỏi làng trong buổi tối mùa đông.

Người chỉ huy H88 một thời nhớ lại, trước khi bắt được nhóm cướp, có lần hình sự đã phải sử dụng cả “đòn gió” để thu hồi một lô hàng quan trọng. Đó là một số máy móc dùng trong công tác an ninh sân bay nhưng trên đường vận chuyển qua đường 10 đã bị bọn “người bay” vần xuống. Giá trị máy rất lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng, H88 nhận nhiệm vụ bằng mọi cách phải thu hồi được số máy đó về.

Nếu triển khai vây bắt, e rằng mất thời gian, chưa kể bọn chúng sẽ tẩu tán, công an quyết định đánh “đòn cân não” với mục tiêu trước mắt là thu hồi máy càng sớm càng tốt. Mấy ngày liền sau đó khắp nơi đều thấy công an lùng sục vây ráp.

Tin đến tai bọn cướp, cho hay thùng hàng chúng cắt được hôm trước “hóa ra là hàng của nhà nước”. Bọn “ong ve” đi hóng tin về còn thì thào rỉ tai nhau: “Hàng “bí mật quốc gia”, quý lắm. Ôm đống máy “khỉ gió” đó bị phát hiện thì dựa cột chắc”.

Trong lúc đó, bọn cướp nhìn số chiến lợi phẩm chẳng biết là máy gì, dùng vào việc gì, nghe nói đắt tiền nhưng thử gạ bán cũng chẳng ai mua. Cả bọn vừa ngao ngán vì tưởng “vớ bẫm” hóa ra lại “ôm nhầm cục hạch”, vừa “rét” vì nhỡ bị phát hiện lại chết "cả nút", nên nhân lúc đêm tối lại hè nhau vần hàng quăng ra đường “trả lại”.

Công an lúc đó đã đợi sẵn chỉ việc đưa xe ra, chở hàng về.

“Răng cá mập” làm loạn đường 5

Cắt hàng như nhóm “người bay” có nhiều lần “trúng đậm” cả thùng đồng hồ, thùng phụ kiện xe đạp, xe máy (đều là những tài sản kếch xù thời đó). Nhưng hầu như không có băng cướp nào đủ bản lĩnh để học theo vì tốc độ nguy hiểm ngang mức “đùa với tử thần”. Một nhóm cướp táo tợn khác sử dụng chiêu rải chông xịt lốp xe, hình thức cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả lại cao. Đó là nhóm “răng cá mập” trên Quốc lộ 5.

Quãng đường gần Km 16 thuộc địa phận Hải Phòng, hầu như không có xe nào thoát được bàn chông của nhóm “răng cá mập”. Chúng thiết kế những thanh sắt vuông được chia ngang theo đường chéo, một nửa gập ngược lên thành mũi nhọn có thể đâm thủng lốp xe.

Nghe tiếng động cơ xe từ xa, chúng mới ra rải một hàng chông kéo ngang đường, đi cách gì cũng không tránh được. Xe dính chông xịt lốp, chạy cùng lắm được khoảng 60m thì dừng lại. Tài xế buộc phải kích xe thay lốp, khách lục tục bước xuống, lúc ấy bọn cướp núp sẵn bên đường bất ngờ xuất hiện, gí súng vào lưng các nạn nhân, khống chế đòi nộp hết tiền bạc.

Dưới họng súng đen sì và bộ dạng bặm trợn của toán cướp, hành khách buộc phải răm rắp nghe lệnh, đứng thành hàng ngang. Chúng xét rất kĩ cả người và xe. Một người buôn than từ Quảng Ninh về có cọc tiền hàng giấu tận dưới gầm xe, chúng cũng moi ra được. Bọn này sẵn sàng nhả đạn nếu bị chống cự, riêng tên đầu sỏ lúc nào cũng kè kè hai khẩu súng lắp đạn đã lên nòng, chỉ cần ngứa mắt là siết cò, “trẻ không tha, già không thương”.

Quốc lộ 5 trở thành tuyến giao thông nhức nhối nạn cướp bóc. Sau hàng loạt các tên tội phạm sừng sỏ và các băng nhóm bị xóa sổ, “răng cá mập” là toán cướp có vũ trang cực kỳ tàn bạo với phương thức hành động chưa từng có. Tài liệu điều tra cho thấy chúng gồm khoảng 5 tên, ở hai xã cấu kết với nhau, thường gây án vào đêm. Bọn chúng có cả một lò rèn quen chuyên sản xuất chông “đặc chủng” để rạch nát lốp ô tô một cách bén ngọt.

Một trong số chúng có quan hệ mật thiết với người có chức trách, nên hễ thấy động là cả bọn biết trước và lặn mất tăm. Làm thế nào để “bẻ răng cá mập”?. Hình sự H88 lại có thêm những đêm trắng bàn kế hoạch “giăng lưới”.

(Còn nữa)

Phạm Tuyết

(Đón đọc bài 3 trên Xa lộ pháp luật số 3)

Đọc thêm