Huyền thoại săn bắt cướp H88: Triệt phá nhóm "răng cá mập"

  Nhận định chắc chắn thủ phạm là dân sông nước thuộc địa bàn Hải Phòng, công an tập trung siết chặt vòng vây kiểm tra ngày một gắt gao, thu giữ toàn bộ số ắc quy có dấu hiệu đáng ngờ. Trong số những chủ tàu bị bắt ắc quy, một số người “đứng đắn” không mua hàng ăn cắp cũng bỗng dưng liên lụy vì không có điện chiếu sáng, sinh hoạt bị đảo lộn nên bức xúc tố ra một vài tên có liên quan. Kết hợp với thông tin điều tra của trinh sát, đội hình sự đã đánh một mẻ lưới vây bắt toàn bộ các đối tượng “cả gan” trộm ắc quy, phá đèn tín hiệu.

[links()]Đường 5 Hải Phòng những năm 1980 nhức nhối nỗi sợ băng cướp “cá mập” chuyên rải chông sắt “bẫy” mọi loại xe cộ, vác súng sẵn sàng sát hại những nạn nhân dám phản kháng. Biệt đội H88 vào cuộc.

Giăng lưới bắt “cá mập”

Trước một nhóm cướp mưu mô, có tổ chức, có “hàng nóng”, có “quan hệ” và quy tụ toàn lưu manh hung hãn như “răng cá mập”, muốn bắt chúng cũng không thể nóng vội, công an phải ngày đêm theo dõi chờ cơ hội triệt phá, đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng quy luật từ xưa đã đúc kết, tiền bọn lưu manh cướp được một sớm một chiều rồi cũng quăng vào rượu, gái, bài bạc và mấy thứ “đồ chơi” chết người như dao, lê, súng đạn…

Toán cướp này cũng vậy. Một tên trong số chúng bị tóm khi đang mải mê sát phạt trên chiếu bạc. Hắn khai nhận hành vi rải chông xịt lốp xe để cướp tài sản trên đường 5. Đồng bọn hay tin, nhanh chân trốn biệt.

Cảnh sát mặc thường phục lần tìm dấu vết nhóm “siêu trộm” “thổi tắt” đèn biển

Hàng chục cảnh sát tốn khá nhiều công sức mới đưa được cả bọn về chịu án. Một tên đang trốn chui lủi trong nhà một người quen ở Hà Nam, các trinh sát phải chạy xe máy áp tải về. Một tên được gia đình bảo vệ kỹ lưỡng, nhà gần sông, bơi lội như rái cá, cứ nghe rục rịch có động trên bờ là nhảy ùm xuống nước lặn không sủi tăm. Trinh sát phải nghiên cứu kỹ sơ đồ nhà hắn đến thuộc như lòng bàn tay, nhắm mắt cũng vẽ được địa hình xung quanh và những vị trí hắn thường nằm trong nhà.

Nguồn tin báo về đã thấy hắn xuất hiện tại nhà sau một thời gian biệt tích. Ba trinh sát cố đợi đến khoảng 2h, là thời điểm ngủ say, để ập vào tận nơi tên cướp đang nằm. Một người ghì chặt cổ, một người kẹp chân, người còn lại gí súng vào lưng, gằn giọng: “Công an đây”. Cả 3 vác tên cướp còn nguyên tư thế nằm,  đưa về trụ sở. Gia đình đối tượng vẫn ngủ ngon, sáng hôm sau không thấy con đâu, nhớn nhác lên công an xã hỏi mới biết đã bị hình sự bắt ngay trong đêm.

Các đối tượng khác cũng lần lượt sa lưới khi tiếp tục gây án trên đường trốn chạy. Riêng tên đầu sỏ sau khoảng hai năm trốn ở Quảng Ninh không dám bén mảng về nhà cũng bị bắt về quy án. Nhóm “răng cá mập” bị triệt phá, các tuyến giao thông đi qua địa phận Hải Phòng lập lại trật tự an ninh.

“Siêu trộm” “thổi tắt” đèn biển

Vụ việc chấn động Hải Phòng những năm 1990 khiến hàng ngàn tàu thuyền “chịu chết” không thể vào cảng mới là đáng nhớ nhất.

Chỉ sau một đêm, bọn tội phạm trộm sạch ắc quy trên biển, phá toàn bộ mọi đèn tín hiệu dọc bờ biển ra phao số 0, thuộc hai địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Ban đầu vụ án do một đơn vị khác chịu trách nhiệm, sau hai tháng vẫn không thu được kết quả. Tình hình vô cùng cấp bách. Mỗi ngày không dẫn được tàu thuyền vào, cảng Hải Phòng sẽ phải trả một khoản tiền vô cùng lớn cho các tàu đỗ bên ngoài, thiệt hại khổng lồ. Vụ án được bàn giao lại cho H88 điều tra.

Tình hình khó khăn đến mức những “cây đa cây đề” trong làng hình sự cũng phải đau đầu. Đây là vùng sông nước, kéo dài đến 40km, thuộc hai tỉnh, công tác điều tra về tội phạm cực kỳ gian nan. Sự việc đã xảy ra hai tháng, hiện trường hầu như không còn dấu vết.

Một khối lượng công việc khổng lồ phải triển khai gấp gáp, trinh sát cứ ròng rã lênh đênh trên những chiếc thuyền buồm, bám tàu bè để nắm tình hình. Mấy ngày liền không có kết quả, rất nhiều đơn vị khác được nhận lệnh phối hợp cũng không cung cấp thêm được tin tức gì.

Liệu đây là hành động của bọn phá hoại an ninh quốc gia? Là màn “tuyên chiến” của bọn phản động? Hay chỉ là tội phạm hình sự? Làm thế nào để gỡ được mớ bòng bòng khi không lần ra đầu mối? Trước kia cũng từng xảy ra hiện tượng mất ắc quy nhưng chỉ rải rác, “nhỏ nhẹ” một hoặc hai cái, mang ra chợ Sắt (Hải Phòng) tẩu tán, song lần này cả chợ Sắt đều lắc đầu “không có”.

Tang vật bị mất là những ắc quy đặc chủng, có đóng dấu theo vị trí quy định bằng các ký hiệu nổi. Xem xét kĩ dấu vết mờ mịt còn sót lại tại hiện trường, công an nhận định nhiều khả năng đây chỉ là sản phẩm của bọn trộm vì vết cậy phá khá thô sơ. Vậy trong bản “danh sách đen” có hàng ngàn tên trộm, bọn nào là thủ phạm? Hướng điều tra quyết định tập trung vào những kẻ biết nghề sông nước. Chỉ có bọn chúng mới có thể lặn ngụp trong sóng nước để khuân sạch số ắc quy trên. Trinh sát bủa đi khắp nơi, rà soát cả những khu vực chài lưới ít người, lần tìm cả bên Quảng Yên (Quảng Ninh) là địa bàn nhiều lưu manh cộm cán. Toàn bộ các “kình ngư” có “số má” của Hải Phòng và Quảng Ninh đều được điểm mặt chỉ tên. Nhưng tung tích “siêu trộm” vẫn biệt tăm.

Đói kém “ăn” cả ắc quy

Mấy chục km đường sông biển từ Hải Phòng đến phao số 0 vẫn mù mịt về đêm thiếu ánh đèn. Các khu vực dân cư ven sông bập bùng sáng điện, người dân thời đó đều dùng ắc quy để đốt đèn chiếu sáng. Số ắc quy bị mất có kích thước cồng kềnh, khối lượng rất nặng, nhà dân không dùng được, ô tô không chạy được, chỉ có thể dùng để chạy máy nổ dưới các tàu thuyền!

Một kế hoạch táo bạo được phát động: Tổng kiểm tra toàn bộ tàu thuyền ra vào trên quãng đường này. Kế hoạch được lập, thống nhất toàn bộ công an trên sông, các đảo và tất cả các lực lượng vũ trang yêu cầu kiểm tra toàn bộ các bình ắc quy của các tàu thuyền, tìm hiểu bằng được nguồn gốc số ắc quy đó. Có hàng ngàn tàu thuyền lớn nhỏ, nhưng yêu cầu điều tra không cho phép bỏ sót bất kỳ cái nào. Tàu bè tỉnh ngoài từng ra vào địa phận Hải Phòng cũng đều bị “sờ” đến.

Kết quả kiểm tra đã thu giữ mấy chục bình ắc quy có dấu hiệu đáng ngờ, là những cái không có vết đóng dấu, hoặc đã bị đục thủng. Xác định đây chính là tang vật của vụ án, công an đã mời các chủ tàu thuyền về phục vụ điều tra, quyết định đánh ngược từ tang vật để tìm ra hung thủ. Một số chủ tàu khai mua nơi mua ắc quy là ở chợ Sắt. Lực lượng điều tra lại “quần” về chợ Sắt, Tiểu thương trước đó ham rẻ mua đồ ăn cắp nay bị phát hiện thì xanh mặt, lập cập khai ra kẻ bán là những thanh niên sống ở ngoài sông, nhưng cụ thể là ai, tên gì, đều không biết.

Nhận định chắc chắn thủ phạm là dân sông nước thuộc địa bàn Hải Phòng, công an tập trung siết chặt vòng vây kiểm tra ngày một gắt gao, thu giữ toàn bộ số ắc quy có dấu hiệu đáng ngờ. Trong số những chủ tàu bị bắt ắc quy, một số người “đứng đắn” không mua hàng ăn cắp cũng bỗng dưng liên lụy vì không có điện chiếu sáng, sinh hoạt bị đảo lộn nên bức xúc tố ra một vài tên có liên quan. Kết hợp với thông tin điều tra của trinh sát, đội hình sự đã đánh một mẻ lưới vây bắt toàn bộ các đối tượng “cả gan” trộm ắc quy, phá đèn tín hiệu.

“Siêu trộm” là một nhóm gồm 5 đối tượng chuyên trộm cắp vặt trên sông. Thời gian đó tàu bè “đói kém” không có gì cho bọn chúng lấy nên mới tính “chơi” luôn ắn quy đèn tín hiệu trên biển, sau đó bán tống bán tháo kiếm tiền. Mặc dù không hình dung được hậu quả kinh khủng của việc làm nhưng cả bọn đều phải trả giá đắt, bị xử mức án nặng vì vi phạm an ninh quốc gia. Có hai tên sợ “phát sốt phát rét” trốn vào Vũng Tàu nằm án binh bất động, mãi sau này mới bị lôi về chịu án.

Vị đội trường H88 năm xưa trầm ngâm nhớ lại kỷ niệm. Hải Phòng cửa biển buộc người dân phải lăn lộn với biển khơi, quen “ăn sóng nói gió”, trui rèn bản lĩnh đáng nể. Có lẽ do đó mà người Hải Phòng hoặc rất anh hùng với bản tính cương trực, năng động, quyết liệt; hoặc sẽ ngược dòng trở thành tội phạm khét tiếng xảo quyệt, liều lĩnh.

Phạm Tuyết

Đọc thêm