Thời gian gần đây, khá nhiều vụ việc kiểm lâm viên, công an viên trong khi thi hành công vụ bị các đối tượng hành hung dẫn tới thiệt mạng. Tuy vậy, khi địa phương làm hồ sơ đề nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) xét công nhận liệt sỹ thì bị từ chối với lý do “hy sinh chưa dũng cảm”. Nhưng thế nào là hành động dũng cảm, thì Bộ này vẫn chưa có giải thích cụ thể...
Thời gian gần đây, khá nhiều vụ việc kiểm lâm viên, công an viên trong khi thi hành công vụ bị các đối tượng hành hung dẫn tới thiệt mạng. Tuy vậy, khi địa phương làm hồ sơ đề nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) xét công nhận liệt sỹ thì bị từ chối với lý do “hy sinh chưa dũng cảm”. Nhưng thế nào là hành động dũng cảm, thì Bộ này vẫn chưa có giải thích cụ thể...
|
Người thân của Kiểm lâm viên Lê Văn Phượng. |
Hướng dẫn luật nhưng không giải thích
Theo Điều 11 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (Pháp lệnh) quy định: “Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây: ...đ) đấu tranh chống tội phạm; e) dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân...”.
Dù nhiệm vụ nguy hiểm đến đâu nhưng không ai khi vào trận lại mong sau này được nhận danh hiệu nọ, huy chương kia. Tuy nhiên, khi máu của họ đã đổ xuống vì bình yên của cuộc sống, thì họ có quyền được Tổ quốc vinh danh, xứng đáng được công nhận là liệt sỹ. Đó không chỉ là quy định của luật pháp mà còn là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Vậy nhưng, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã khước từ vinh danh họ khi cho rằng sự hy sinh này chưa dũng cảm? |
Đáng chú ý, trong 8 trường hợp được công nhận là Liệt sỹ, chỉ duy nhất có một trường hợp “thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” là bắt buộc phải có cụm từ “dũng cảm”.
Với quy định này, có thể hiểu trong 7 trường hợp còn lại, nếu người nào đó đang làm nhiệm vụ mà hy sinh thì đều được công nhận là Liệt sỹ.
Tuy vậy, cụ thể Điều luật này, tại Khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định: Liệt sĩ là người đã hy sinh thuộc một trong các trường hợp: dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Như vậy, so với Pháp lệnh thì Nghị định 54 đã giải thích, hay nói đúng hơn là mở rộng ý nghĩa của điều khoản trên. Tức là ngoài hành động làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh... thì hành động đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm phải có thêm yếu tố “dũng cảm” mới được công nhận Liệt sỹ.
Thông thường, tại các văn bản quy phạm pháp luật mang tính hướng dẫn Luật (như Nghị định hay Thông tư), cơ quan soạn thảo thường dành riêng một Điều luật để giải thích những từ ngữ có liên quan được quy định tại văn bản luật đó. Tuy vậy, mặc dù quy định phải có yếu tố dũng cảm trong các hành động trên, nhưng Bộ LĐTB&XH lại không giải thích cụ thể.
Ngay cả các văn bản do Bộ này ban hành như Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và các Thông tư số 02/2007/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn, bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng cũng tuyệt nhiên không có điều khoản nào giải thích từ ngữ rằng “hành động như thế nào được coi là dũng cảm”.
Bất nhất trong áp dụng luật
Chính vì không có sự giải thích rõ ràng, nên việc hiểu và vận dụng điều luật này vào thực tế đã có sự khác nhau giữa Bộ chủ quản và các Bộ, ngành liên quan cũng như các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thậm chí, những ý kiến trái chiều này diễn ra khá gay gắt. Và để bảo vệ quan điểm của mình, không ít vụ việc đã “lôi” nhiều Bộ, ngành liên quan cùng tranh luận: đối với cán bộ kiểm lâm thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tiếng; là công an viên thì Bộ Công an vào cuộc.
Trong những vụ việc như thế, Bộ LĐ-TB&XH thường bị chỉ trích là bới lông tìm vết hoặc thờ ơ, vô trách nhiệm với quyền lợi của những người đã ngã xuống và thân nhân của họ. Nhiều ý kiến còn nghi ngại: Phải chăng vì không quy định rõ thế nào là dũng cảm nên Bộ này áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, nếu không muốn nói là có tiêu cực trong việc công nhận liệt sỹ cho các trường hợp liên quan?
“Trong ngành và dư luận đều đánh giá hành động này là dũng cảm. Chủ tịch nước cũng đã truy tặng Huân chương Dũng cảm cho anh, nhưng Bộ LĐTB&XH thì lại nói không có lòng dũng cảm. Vậy Huân chương dũng cảm do Chủ tịch nước trao tặng cho anh Phượng chẳng lẽ không có giá trị?”- ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Đơn cử như vụ kiểm lâm viên Lê Văn Phượng (cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên) bị lâm tặc sát hại khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) đề nghị truy tặng danh hiệu Liệt sỹ cho anh Phượng vì nạn nhân đã dũng cảm hy sinh trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn cũng có văn bản khẳng định anh Phượng đủ tiêu chuẩn để được công nhận Liệt sỹ. Tuy vậy, Cục Người có công nhất quyết bác đề nghị này với lý do: đây chỉ là một vụ tai nạn và anh Phượng không hề ra tín hiệu dừng xe nên chưa đủ dũng cảm để nhận danh hiệu cao quý này.
“Lúc đó tôi đang là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, khi tiếp xúc với cử tri, họ đã chất vấn khá nhiều về vấn đề này, dư luận cả nước cũng lên tiếng bảo vệ cho quan điểm của tỉnh Thái Nguyên. Thậm chí một số đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến. Bởi vậy, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Bộ LĐTB&XH. Lúc đó chị Ngân (bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH) đã yêu cầu Cục Người có công xem xét lại. Cuối cùng thì Bộ LĐTB&XH đã phải công nhận liệt sỹ cho anh Lê Văn Phượng”- ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Đánh giá về vụ việc trên, ông Hùng còn lập luận, anh Phượng đã tuân theo sự chỉ đạo của chỉ huy là cầm cờ hiệu ra đứng chặn xe chở gỗ lậu và bị xe này đâm chết. Hành động của anh Phượng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao (khi thấy xe chở gỗ lao tới, anh Phượng có thể lùi vào phía sau xe u oát của đơn vị mình để tránh nhưng anh không làm thế mà vẫn đứng lại vị trí cầm cờ hiệu).
Trong ngành và dư luận đều đánh giá hành động này là dũng cảm. Chủ tịch Nước cũng đã truy tặng Huân chương Dũng cảm cho anh, nhưng Bộ LĐTB&XH thì lại nói không có lòng dũng cảm. Vậy Huân chương dũng cảm do Chủ tịch Nước trao tặng cho anh Phượng chẳng lẽ không có giá trị?.
Qua vụ việc trên có thể thấy, nếu các cơ quan chức năng không ráo riết vào cuộc, dư luận không lên tiếng mạnh mẽ thì Bộ LĐTB&XH chắc gì đã chịu “xuống nước” để xét công nhận liệt sỹ cho người kiểm lâm này?. Và nếu địa phương, gia đình nạn nhân chấp nhận với trả lời của Bộ LĐTB&XH thì đến nay cái chết của anh Phương vẫn chỉ là do tai nạn giao thông (yếu tố rủi ro)?. Chính bởi vậy, nhiều ý kiến không khỏi hoài nghi về tính khách quan cũng như thái độ công tâm của Cục Người có công khi vận dụng những điều luật cụ thể vào cuộc sống?.
Vân Anh