Indonesia tuần tra trên Biển Đông khi phát hiện tàu nước ngoài đến gần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một quan chức hải quân cho biết hôm thứ Năm, hải quân Indonesia đã tăng cường tuần tra xung quanh các đảo Natuna ở Biển Đông sau khi các tàu Trung Quốc và Hoa Kỳ bị phát hiện gần đó trong vùng biển quốc tế.
Máy bay chiến đấu phản lực F-16 của Không quân Indonesia bay trên tàu chiến của hải quân Indonesia tuần tra ở đảo Bắc Natuna, gần Biển Đông, Indonesia. Ảnh: Antara (chụp ngày 10/1/2020) phát qua REUTERS.
Máy bay chiến đấu phản lực F-16 của Không quân Indonesia bay trên tàu chiến của hải quân Indonesia tuần tra ở đảo Bắc Natuna, gần Biển Đông, Indonesia. Ảnh: Antara (chụp ngày 10/1/2020) phát qua REUTERS.

5 tàu hải quân, được hỗ trợ bởi một cuộc tuần tra trên không, đã được triển khai ở Biển Bắc Natuna để đảm bảo an ninh cho khu vực, chỉ huy hạm đội phía tây của Hải quân Indonesia Arsyad Abdullah nói với các phóng viên.

"Lập trường của Hải quân trên Biển Bắc Natuna rất kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong phạm vi quyền tài phán của Indonesia phù hợp với luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế đã được phê chuẩn để không có sự khoan nhượng đối với bất kỳ vi phạm nào ở Biển Bắc Natuna", Sỹ quan Arsyad nói .

Vào năm 2017, Indonesia đã đổi tên vùng biển phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông là Biển Bắc Natuna, như một phần trong nỗ lực chống lại tham vọng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc.

Chỉ huy hạm đội phía tây của Hải quân Indonesia cho biết các tàu hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được phát hiện gần đây nhưng nói rằng họ không gây xáo trộn, nói thêm rằng họ vẫn đang ở trong vùng biển quốc tế.

Tình trạng bế tắc kéo dài một tuần ở Natuna xảy ra vào đầu tháng 1 năm ngoái khi một tàu tuần duyên Trung Quốc và các tàu đánh cá cùng tiến vào vùng biển phía bắc Natuna, khiến Indonesia phải gửi máy bay chiến đấu và huy động ngư dân của mình.

Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Natuna, nhưng nói rằng họ có quyền đánh cá gần đó trong Đường Chín đoạn bao gồm hầu hết Biển Đông - một tuyên bố chủ quyền bị phản đối và không được quốc tế công nhận.