Iran-Mỹ “gườm” nhau ở eo biển Hormuz

Iran và Mỹ đã tiếp tục dấn vào căng thẳng mới sau khi Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ đường biển chiến lược của thế giới. Theo các nhà phân tích, Iran có thể chỉ làm gián đoạn, chứ không cắt đứt được hoàn toàn tuyến giao thông này.

Iran và Mỹ đã tiếp tục dấn vào căng thẳng mới sau khi Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ đường biển chiến lược của thế giới. Theo các nhà phân tích, Iran có thể chỉ làm gián đoạn, chứ không cắt đứt được hoàn toàn tuyến giao thông này.

Quân đội Iran tập trận trong eo biển Hormuz. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo Iran vừa tuyên bố “sẽ không có một giọt dầu nào được vận chuyển qua eo biển Hormuz” nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ Iran.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra cho các nhà lãnh đạo Iran là liệu cái giá phải trả cho việc đóng cửa eo biển Hormuz có lớn không. Trước hết, theo các nhà phân tích, việc cố gắng đóng cửa eo biển sẽ khiến lực lượng của Mỹ trong vùng Vịnh phản ứng mạnh về quân sự lên đầu Iran và khiến những liên minh còn lại hiếm hoi của Iran trên thế giới quay lại chống nước này.

Việc Iran đưa ra những lời đe dọa nghiêm trọng như trên thể hiện phản ứng của nước này trước những lệnh trừng phạt mà Mỹ đang tính toán nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vốn là nguồn thu sống còn đối với nền kinh tế Iran.

Tổng thống Mỹ Obama dự kiến vào tuần tới sẽ phê duyệt một đạo luật mới, cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran, nơi thực hiện phần lớn các thương vụ buôn bán dầu mỏ của nước này. Các nhà lãnh đạo Iran đã coi nhẹ những lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ và Liên Hợp  Quốc, cho rằng chúng không hiệu quả. Nhưng nếu Iran không thể bán dầu, thì nền kinh tế nước này sẽ rất khó khăn.

“Sẽ rất khó khăn đối với Iran, thậm chí còn cản trở giao thông trong một khoảng thời gian dài”, Jonathan Rue – nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington – nói. “Họ không có khả năng để chặn eo biển này một cách hiệu quả”.

Cũng theo ông Rue và một số nhà phân tích khác, cái mà người Iran có thể làm là gây nhiễu giao thông qua vùng Vịnh, nhưng không thể ngăn chặn các tàu chở dầu cũng như gây ra các vụ tấn công. Mục tiêu có thể là gây loạn thị trường, nâng tỷ lệ bảo hiểm vận chuyển và làm tăng giá dầu đủ để ép Mỹ hủy bỏ các lệnh trừng phạt.

Hôm 29/12, bất chấp đe dọa từ phía Iran, hải quân Mỹ cho biết vẫn cho hai tàu chiến gồm tàu sân bay USS John C.Stennis và tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USD Mobile Bay đi qua eo biển Hormuz, và đã không có sự cố nào xảy ra.

Trước đó, hôm 28/12, Mỹ tuyên bố “bất cứ động thái nào cản trở hoạt động vận tải qua eo biển Hormuz sẽ không được dung thứ”. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bác lời cảnh cáo này của Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng Iran sẽ có những hành động dứt khoát “bảo vệ lợi ích sống còn” của mình.

Eo biển Hormuz là một mục tiêu dễ dàng, một nút cổ chai chỉ khoảng 30 dặm (50 km) qua điểm hẹp nhất giữa Iran và Oman. Các tàu chở dầu chở từ 1/3 đến 40% lượng dầu lửa của thế giới qua eo biển này, từ các khu vực dầu lửa của Iran và các quốc gia láng giềng vùng Vịnh để ra Vịnh Persic, vào Biển Ả rập và phân phát cho các thị trường.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ có dấu hiệu gia tăng khi cuối tuần qua hải quân Iran tiến hành cuộc tập trận rầm rộ mang tên Velayat 90 kéo dài 10 ngày nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, khả năng phòng thủ của Iran gần eo biển Hormuz.

 Quang Minh (Theo AFP, AP)

Đọc thêm