Đã gần một năm kể từ cái chết bí ẩn của con trai, nguời cha già 74 tuổi vẫn miệt mài gõ cửa từng cơ quan bảo vệ pháp luật từ địa phương đến Trung ương với mong mỏi nhận được sự thật để vong linh con trai không phải chết oan uổng. Trong sự chờ đợi vô vọng, người cha thậm chí còn có lúc gõ cửa… Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người để tìm câu trả lời.
|
Lan can cầu thang được cho là nơi nạn nhân “tự sát” (Hình do bạn đọc kêu oan cung cấp) |
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự treo cổ tại nhà riêng?
15h30’ ngày 18/7/2012, Công an thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) nhận được tin báo: Tại trạm y tế phường Đình Bảng tiếp nhận cấp cứu một nạn nhân nam bất tỉnh trong tình trạng cởi trần, mặc quần lót.
Bác sỹ trực xác định nạn nhân đã chết trước khi được đưa vào trạm y tế. Tử thi được xác định là anh Phan Thành Bắc (SN 1976, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quế Võ, ngụ phố Lê Hồng Phong, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân vỡ xương hộp sọ dài 9 cm; tụ máu dưới da dầu; vết rách da vùng đỉnh vành tai phải; lỗ tai phải có máu chảy ra; niêm mạc xung huyết; răng, lợi, lưỡi không phát hiện tổn thương. Những chi tiết này được lấy từ phần lược ghi Biên bản khám nghiệm hiện trường cha nạn nhân cung cấp.
Cha nạn nhân giải thích vì công an không cho sao chụp lại Biên bản chính, ông chỉ được đọc và ghi lại.
Tại Quyết định giải quyết đơn khiếu nại, Viện kiểm sát nhân dân thị xã khẳng định: “Có đủ căn cứ pháp lý để xác định nạn nhân chết do tự sát chứ không do nguyên nhân nào khác”. Công an thị xã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do “không có sự việc phạm tội”.
Trong tâm trí người cha nạn nhân là ông Phan Bằng, dường như sự việc mới chỉ diễn ra hôm qua. Khoảng 15h ngày 18/7/2012, vợ ông nhận được điện thoại của con dâu (chị Vũ Thị Nguyệt): “Mẹ ơi, bảo bố sang ngay, nhà con bị sao ấy”.
Do hai nhà chỉ cách nhau khoảng 1 km nên khoảng hai phút sau ông đã có mặt nhưng cửa nhà mở mà không thấy bóng dáng ai. Hoảng hốt phóng xuống bệnh viện mà không gặp, ông lại đi về nhà con ngồi đợi. Cuối cùng ra trạm xá Đình Bảng, ông gặp thi thể con trai.
Cha nạn nhân nói: “Trước thời điểm xảy ra sự việc, con trai tôi đang ở cùng vợ và hai con nhỏ. Con dâu tôi khi cầm bình nước ra, thấy chồng treo cổ chết, vẫn nhẹ nhàng đặt bình nước bằng thuỷ tinh xuống sàn nhà không hề bị đổ vỡ; không hốt hoảng gọi bà con khu phố mà bình tĩnh tự tháo dây thòng cổ, đưa chồng xuống rồi cho vào trạm xá. Nếu thật sự con trai tôi treo cổ mà chết, tại sao khi gọi điện thoại báo tin, lại không nói thẳng sự việc?”.
Vấn đề đặt ra, tại sao người đàn ông 36 tuổi lại tự tử? Khía cạnh này đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật lãng quên. Khó có thể nói một người bỗng nhiên treo cổ vì một nguyên nhân không xác định.
Người cha quả quyết: “Con tôi không có lý do gì để tự sát. Vừa mới được thăng chức, nhà lầu, xe hơi, cuộc sống gia đình không mâu thuẫn, hai con ngoan hiền, sao lại tự dưng tự sát?
Trước thời điểm xảy ra vụ việc, con dâu tôi đi nghỉ mát 5 ngày ở trong Nam cùng cơ quan. Trong 5 ngày đó, tôi vẫn thấy vợ chồng nó thường xuyên gọi điện nói chuyện, quan tâm đến nhau. Tối hôm trước khi xảy ra cái chết, nó còn đi đón vợ về”.
Những “kết luận” không đủ sức thuyết phục gia đình nạn nhân
Tuy cơ quan tố tụng đã khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra nhưng những người thân trong gia đình nạn nhân vẫn không “tâm khẩu khẩu phục” về kết luận chết do tự tử.
Trước tiên, kết luận dẫn đến nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ. Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 155; Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự thì giám định để xác định nguyên nhân dẫn đến chết người là thủ tục bắt buộc.
Nhưng cả Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong văn bản trả lời đều chỉ ghi rất chung chung: Chết do tự sát.
Nguyên nhân dẫn đến chết người trong giám định phải là nguyên nhân về mặt sinh học chứ không thể bằng kết luận chung chung như vậy. Người cha khẳng định: “Biên bản khám nghiệm tử thi không làm rõ con trai tôi chết là do nguyên nhân gì, tôi cũng chưa từng được tiếp cận với bất kỳ văn bản nào của cơ quan tố tụng ghi rõ nguyên nhân chết người”.
Cũng theo ông Bằng, kết luận chỉ được thông báo bằng miệng: “Chết do suy hô hấp, suy tuần hoàn” khi ông thắc mắc hỏi rõ. Tại sao lại hoàn toàn thiếu vắng kết luận giám định nguyên nhân chết? Và nếu có, tại sao lại không công khai cho người nhà nạn nhân biết?
Rõ ràng đã có sự vi phạm về mặt tố tụng, bởi Khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Sau khi đã giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định.”
Thứ hai, kết luận giám định cũng không thể hiện anh Phan Thành Bắc chết vào thời điểm nào. Đây là sai sót rất khó hiểu. Thời điểm vợ nạn nhân phát hiện chồng treo cổ, thời điểm nạn nhân chết thật sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định hướng điều tra.
Không rõ thời điểm chết, cộng với việc không rõ kết luận nguyên nhân chết, thì sao lý giải được nạn nhân chết là bị chấn thương sọ não chết, hay chết do suy hô hấp vì treo cổ? Nhiều kịch bản giết người rồi tạo hiện trường giả đã xảy ra trong cuộc sống khiến gia đình nạn nhân không khỏi nghi ngờ về cái chết của con trai.
Thứ 3, lý do tại sao lại có vết thương trên đầu nạn nhân chưa được làm rõ. Vị trí được cho là nơi nạn nhân đã treo cổ là thành cầu thang hướng lên tầng hai, khi người vợ phát hiện chồng treo cổ thì đã tháo dây khiến chồng rơi xuống, vậy mà gây vỡ toác xương hộp sọ dài đến 9 cm? Bên cạnh đó, vị trí được cho là nạn nhân đã treo cổ như trên thì thật khó tự vẫn thành công. Đối diện với cái chết, bản năng sống thường trỗi dậy, khi đó nạn nhân chỉ cần bám tay vào thành cầu thang là cứu được mạng sống.
Thứ tư, chứng cứ từ vụ việc chưa rõ ràng. Cha nạn nhân cho biết con mình thắt cổ từ dải áo đã bị xé rách thu được tại hiện trường. Nhưng cơ quan điều tra đã không thể trả lời câu hỏi của người cha: “Cái dải áo thắt cổ được thu tại hiện trường đâu, ảnh đâu, sao nhìn không giống cái áo?”.
“Dây thắt cổ là cái áo, cứ cho là xoắn lại rồi mới thắt thì vết hằn phải xù xì, chỗ to chỗ nhỏ, nhưng trong ảnh vết hằn trông nuột nà, trơn nhẵn, có tiết diện đều là 0,8 cm. Vậy không thể là cái dải áo được, mà chắc chắn phải là một sợi dây cứng như sợi dây điện”, người cha lập luận.
Cay đắng cảnh người cha nhờ… thần linh “giải oan” cho con
Sau ngày anh Bắc chết, gia đình bố chồng và nàng dâu cũng tuyệt giao quan hệ. Ông lão trầm ngâm: “Tôi chẳng hiểu sao mối quan hệ lại bất thường như vậy. Tại cơ quan điều tra, con dâu tôi khai đêm trước ngày chồng nó chết, hai đứa cãi nhau vì chuyện nghi ngờ tin nhắn điện thoại, căng thẳng đến mức đập cả điện thoại…”.
Cho rằng việc dựng hiện trường đã được thực hiện bằng người nộm hình rơm là không đảm bảo độ chính xác (nạn nhân cao 1m70, nặng 72 kg) và không lý giải được đầy đủ các vết thương tại sao lại có ở đầu nạn nhân, người cha đã nhiều lần làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức dựng lại hiện trường bằng các phương tiện, dụng cụ đảm bảo độ chính xác cao, để ông được trực tiếp đối thoại với các điều tra viên. Mọi chi phí liên quan đến việc dựng lại hiện trường gia đình nạn nhân sẽ chi trả. Nhưng… đề nghị vẫn chỉ là đề nghị.
Không còn cách nào khác, sau nhiều lần kêu oan mà không được hồi âm, gia đình nạn nhân đã phải gõ cửa… Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của con trai.
Dẫu biết rằng kết quả từ yếu tố siêu linh không phải là chứng cứ được pháp luật thừa nhận, song không thể phủ nhận một nỗi đau có thực: Hệ thống cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật đã ở đâu, để một ông lão đã bước sang độ tuổi “thất thập cổ lai hi” phải nhờ cậy đến thần linh để kêu oan cho cái chết của đứa con xấu số?
Theo Xa lộ pháp luật