Kẻ giết 16 dân thường Afghanistan bức xúc vì oán hận?

Cuộc điều tra về vụ thảm sát 16 dân thường Afghanistan vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra với quân đội Mỹ hiện nay là liệu có phải nghi phạm Robert Bales đã kiệt sức sau thời gian tham chiến quá dài và gặp rắc rối về vấn đề tài chính?

Cuộc điều tra về vụ thảm sát 16 dân thường Afghanistan vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra với quân đội Mỹ hiện nay là liệu có phải nghi phạm Robert Bales đã kiệt sức sau thời gian tham chiến quá dài và gặp rắc rối về vấn đề tài chính?

Robert Bales tại trung tâm huấn luyện quốc gia Fort Irwin ở California hồi tháng 8 năm ngoái. Ảnh: AFP

Tại căn cứ quân sự Leavenword ở Kansas, ngay bên cạnh buồng giam mà trung sĩ Robert Bales bị giam giữ vì đã giết hại 16 dân thường Afghanistan hôm 11/3 vừa qua, người ta thấy có “Trung tâm những bài học kinh nghiệm của quân đội Mỹ”.

Phía sau những bức tường, người ta còn nghiên cứu về sự kiện từng trở thành biểu tượng của cuộc sa lầy tại Việt Nam trước đây: Trung úy William Calley đã ra lệnh và tham gia vào vụ thảm sát “Mỹ Lai” năm 1968 khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng. Được tiết lộ một năm sau trên tạp chí Life, vụ giết người hàng loạt đã gây sốc cho công chúng Mỹ và thúc đẩy phong trào phản chiến.

40 năm sau, vụ án của Robert Bales chắc chắn sẽ trở thành một trong những vụ việc được đưa vào “Trung tâm những bài học kinh nghiệm” để nghiên cứu về “Vũng lầy Afghanistan”. Chân dung mà người ta bắt đầu mô tả về viên trung sĩ 38 tuổi nói nên rất nhiều điều về những sai lầm trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Sau 10 năm chiến tranh với 500 tỷ USD, nhiều nghìn người thiệt mạng, quân số của quân đội Mỹ đã buộc phải luân chuyển liên tục trên chiến trường Afghanistan. Những cuộc luân chuyển này gây ra ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, đạo đức và sự ổn định của gia đình họ.

Mệt mỏi vì chiến trường?

Các nhân chứng là hàng xóm của Bales và những thông tin mà các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ nhận được tiết lộ nhiều khía cạnh trái ngược với cá tính của kẻ sát nhân.

Cam kết tình nguyện giống như hàng chục nghìn thanh niên trẻ muốn tham gia truy đuổi các thành viên của mạng lưới khủng bố Al Qaeda sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001, Robert Bales đã kết thúc sự nghiệp của mình bằng việc nuôi dưỡng mối oán hận chống quân đội, cho rằng bản thân đã không được công nhận xứng đáng những hy sinh của mình.

Sau 3 lần được huy động sang Iraq từ năm 2003 đến năm 2010, một phần bàn chân bị cắt và một vết thương trên đầu, Bales đã nhận được nhiều huy chương, nhưng không có cái nào là huy chương Purple Heart - huy chương được Tổng thống Mỹ trao cho binh sĩ dũng cảm bị thương trong chiến đấu - và cũng không có hy vọng thăng tiến nào. Vợ Bales là Karylin cũng chia sẻ trên một trang blog những thất vọng của chồng mình với bài viết “Những cuộc phiêu lưu của gia đình Bales”.

Theo luật sư của Bales thì kẻ sát nhân này bị hội chứng rối loạn hậu chấn thương (PTSD), vấn đề mà có thể kéo theo hành vi bạo lực không thể dự báo trước, song trung tâm y tế thuộc căn cứ quân sự Lewis-McChord lại không phát hiện thấy điều gì bất thường. Được biết, từ đầu năm 2012, quân đội Mỹ đã mở một cuộc điều tra nhắm vào trung tâm y tế này – trung tâm bị lính Mỹ cáo buộc làm giảm nhẹ, thậm chí không biết gì về các vụ binh lính mắc chứng PTSD.

“Đó không phải là một bệnh nhân tâm thần” – cựu chỉ huy của Bales tại Iraq Chris Alexander khẳng định. Trong một bài phỏng vấn được thực hiện sau một trận chiến khốc liệt tại Iraq năm 2007, Robert Bales đã thậm chí còn tỏ ra “tự hào” vì đã cứu sống nhiều người Iraq, những người mà chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ trước đó đã định giết hại các thành viên trong đơn vị của ông ta.

  Sau cuộc thảo luận kéo dài 11 giờ tại một căn cứ quân sự ở Kansas, ông John Henry Browne – luật sư đại diện cho trung sỹ Robert Bales – hôm 20/3 nói rằng, nhà chức trách Mỹ “không hề có bằng chứng pháp y” chống lại thân chủ của ông và cũng không hề có “lời thú tội” nào liên quan đến vụ thảm sát. Luật sư Browne dự định sẽ đến Afghanistan để tự thu thập các bằng chứng về vụ việc.

Trung sỹ Bales, 38 tuổi, vẫn chưa chính thức bị truy tố nhưng luật sư Browne dự đoán thân chủ của ông sẽ bị truy tố về cáo buộc giết người và một số cáo buộc khác trong phiên điều trần diễn ra hôm nay (22/3). Browne cũng nói thêm rằng vụ việc có thể sẽ kéo dài trong 2 năm. Một số nguồn tin trong khi đó dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng Bales có thể sẽ phải lĩnh án tử hình nếu bị tuyên có tội.

H. Dung (Theo Reuters)  

Hay rắc rối về tài chính?

Ở Lake Tappe thuộc bang Washington, người dân cũng bị sốc nặng trước vụ thảm sát mà thành viên Bales của cộng đồng dân cư nơi đây gây ra. “Không có dấu hiệu báo trước” - Kassie Holland tuyên bố trên kênh ABC. “Ông ta vẫn có thái độ tích cực về việc phục vụ trong lực lượng vũ trang, ông ta chưa bao giờ thể hiện sự tức giận về điều đó.”

Tuy nhiên, từ năm 2002, trước khi được điều sang làm nhiệm vụ ở Iraq, Robert Bales đã thể hiện thái độ bất thường. Ông ta đã bị bắt giữ trong một khách sạn vì tấn công bạn gái. Năm 2009, ông ta bị đưa ra trước tòa vì tội chạy trốn sau khi gây ra một vụ tai nạn xe hơi.

Dần dần, gia đình Bales đã bắt đầu trả giá cho 10 năm tham gia quân đội cuả Bales ở Lake Tapp, Iraq và Afghanistan. Ngôi nhà mà gia đình Bales mua năm 2005 cũng không giữ được nữa. 3 ngày trước khi vụ thảm sát xảy ra, vợ Bales đã bán ngôi nhà đó vì cô không còn tiền để trả nợ.

Cuối cùng cô cũng đã phải chịu mất một ngôi nhà khác mà cô mua từ trước khi cưới Bales. Những lo lắng về tài chính đã đề nặng lên vai vợ chồng cô. Tuy nhiên, luật sư John Browne bác bỏ những lý do này. Đối với ông, tham gia quân đội vẫn là trách nhiệm hàng đầu đối với các binh sĩ.

Phúc Lợi (Theo Figaro)

Đọc thêm