Kẻ giết xã đội trưởng trả giá sau 21 năm trốn nã

Nghi ngờ anh xã đội trưởng tòm tem vợ mình trong thời gian bản thân phải đi tù nên Phạm Văn Trịnh (khi đó 40 tuổi, thường trú tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã đâm chết người cán bộ xã rồi bỏ trốn. 21 năm đã trôi qua, Trịnh không ngờ cuối cùng hắn vẫn bị bắt khẩn cấp theo lệnh truy nã ở một chỗ cách nơi gây án trên 2000 km.   

Nghi ngờ anh xã đội trưởng tòm tem vợ mình trong thời gian bản thân phải đi tù nên Phạm Văn Trịnh (khi đó 40 tuổi, thường trú tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã đâm chết người cán bộ xã rồi bỏ trốn. 21 năm đã trôi qua, Trịnh không ngờ cuối cùng hắn vẫn bị bắt khẩn cấp theo lệnh truy nã ở một chỗ cách nơi gây án trên 2000 km.   

đối tượng Phạm Văn Trịnh
Quyết trả thù xã đội trưởng
Ngược dòng thời gian 21 năm trở về trước, tại xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Sơn Bình cũ, nay thuộc về Hà Nội), đối tượng Phạm Văn Trịnh tuy không thuộc thành phần giang hồ cộm cán nhưng cũng có chút “tiếng tăm” bởi từng tham gia một vụ ẩu đả gây thương tích. Kết cục của phút yêng hùng thời trai trẻ, Trịnh phải từ giã gia đình vợ con để vào tù “bóc lịch”.
Năm 1991, Trịnh được mãn hạn tù, trở về địa phương có nghe phong thanh rằng thời gian hắn ở tù thì anh xã đội trưởng tên là N.V.Q (39 tuổi, người cùng xã) có hay qua lại tư tình với cô vợ tuổi đang xoan của hắn ta. Tuy đó chỉ là tin đồn, hoàn toàn không có bằng chứng gì nhưng Trịnh vẫn ghen tuông lồng lộn. Đã thế trong lòng hắn lại sẵn mối tư thù với anh Q. vì cho rằng trong vụ ẩu đả mà trước đây Trịnh đã phải vào tù, anh xã đội trưởng lợi dụng việc đến thực thi nhiệm vụ giữ trật tự trị an đã cố tình bắn vào chân hắn!? Trịnh ủ mưu sẽ phải trả bằng được mối thù trên. 
Cơ hội đến vào ngày 17/9/1991, Trịnh ngồi quán uống rượu thịt chó cùng em trai thì thấy anh Q. cũng đang ngồi nhâm nhi món “cầy tơ bảy món”. Một lát người em ra về, trong quán chỉ còn Trịnh và anh Q. lập tức hắn sấn đến gây gổ, “hỏi tội” ông Q. vì sao năm xưa lại bắn hắn? Anh Q. phủ nhận, tỏ ý không muốn nói chuyện với một đối tượng tiền án tiền sự ,nhưng Trịnh vẫn quả quyết phải hỏi cho ra nhẽ. Lời qua tiếng lại, hai bên xô xát, Trịnh dùng dao đâm anh Q. hai nhát thấu ngực trái, phải khiến nạn nhân tử vong sau đó. 
Sau khi đâm chết nạn nhân, Trịnh khống chế một người dân trong thôn phải chở hắn ra Hà Nội rồi trốn về huyện Thường Tín, xin được một bộ quần áo khác thay rồi đón xe khách vào Đà Nẵng. Để tránh sự truy bắt của công an, Trịnh lẩn trốn vào một lò gạch.
Sau đó, Trịnh giấu biệt thân phận thật của mình và xin ông chủ lò gạch cho làm công nhân với tên mới là Nguyễn Văn Thành (ở Lương Sơn, Hòa Bình). Thấy Trịnh có vẻ hiền lành, khỏe mạnh lại chịu khó làm ăn nên ông chủ lò gạch đồng ý nhận hắn vào làm, thậm chí sau này hắn còn được mọi người ở lò gạch rất quý mến.
Thời gian sau khi Trịnh gây án và bỏ trốn, công an tỉnh Hà Sơn Bình khi đó đã ráo riết truy tìm hắn ở khắp nơi nhưng biệt vô âm tín. Trùng thời điểm đó, tại Sơn La, quần chúng phát hiện xác một người đàn ông trạc tuổi Trịnh trôi sông, đã phân hủy và nghi ngờ đó là Trịnh trốn lên Sơn La và bị chết đuối.
Sau khi nghe ngóng tình hình và biết tin đó, Trịnh cảm thấy rất an tâm. Khoảng thời gian sau diễn ra nhiều “biến cố” khi tỉnh Hà Sơn Bình chia tách thành Hà Tây, Hòa Bình rồi sáp nhập vào Hà Nội khiến Trịnh càng đinh ninh rằng hắn đã “lọt lưới” pháp luật. 
Mai danh ẩn tích suốt 21 năm
Với thân phận mới, Trịnh thiết lập một “nguyên tắc sống” mới là hiền lành, tốt tính, kín tiếng, chịu khó làm ăn để chiếm cảm tình của mọi người.  Nhờ vậy, năm 1994, hắn được một cô gái địa phương yêu thương, nguyện kết tóc se tơ. 
Nghe Trịnh nói hoàn cảnh của hắn neo đơn, cha mẹ anh em thân thích đều ở xa, bản thân hắn phải tha hương cầu thực rày đây mai đó nhưng gia đình nhà vợ vẫn hết lòng vun vén và gả con gái cho. Thậm chí bố mẹ vợ còn khai báo tạm vắng, tạm trú cho Trịnh với cái tên giả mà không chút nghi ngờ Năm 1996, người vợ sinh cho Trịnh một cậu con trai. Năm 2000, nhận thấy sống lâu ở một chỗ sẽ rất dễ bị tai mắt quần chúng và pháp luật phát hiện nên Trịnh quyết định đưa cả vợ con vào huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) làm thuê cho người cháu của vợ tại một trang trại trồng bông.
Hơn chục năm trốn truy nã, nhận thấy tình hình đã tạm lắng xuống, Trịnh bắt đầu mon men tìm về quê, vì ở quên hắ vẫn còn người cha già yếu. Tuy nhiên, dù phải đi tàu xe vất vả, vượt hàng ngàn cây số mới hồi hương nhưng Trịnh chỉ dám về “chớp nhoáng” rồi lại quày quả đi ngay. Ngay cả khi người cha qua đời, Trịnh đưa cả vợ con gia đình về chịu tang bố nhưng lại bí mật chuyện này, hắn không dám đưa cha ra đồng, chỉ quanh quẩn ở nhà thắp hương chứ không dám ló mặt ra ngoài. Đưa tang cha xong, ngay ngày hôm sau, cả gia đình Trịnh vội quay lại Đồng Nai thậm chí không dám từ biệt anh em họ hàng.
Chính thái độ đó khiến người vợ nghi ngờ. Càng nghi ngờ hơn khi thấy ở quê mọi người gọi chồng chị là Trịnh chứ không phải là Thành - cái tên suốt hai chục năm qua chị vẫn gọi người bạn đời của mình. Người vợ gặng hỏi mãi, Trịnh mới phải thú nhận về thân phận thật của mình. 
Tội ác nào rồi cũng phải trả giá
Ngày 7/9/2012, một đội trinh sát mặc thường phục bí mật theo dõi rồi ập đến bắt khẩn cấp Phạm Văn Trịnh ngay tại nhà riêng của hắn tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khi bị bắt Trịnh không chống đối, mà còn tỏ nghi ngờ vợ mình là người đã báo công an đến, vì trước đó Trịnh đã cãi nhau với vợ trong lúc vợ đưa tiền đi cắt tóc.
Chỉ có vợ con Trịnh vô cùng bàng hoàng, dù trước đây đã được Trịnh úp mở cho biết thân phận thật nhưng họ vẫn không ngờ người chồng, người cha của gia đình lại là một tên tội phạm nguy hiểm trốn truy nã suốt 21 năm qua. Trên đường di lý Phạm Văn Trịnh ra Hà Nội để điều tra về tội “Giết người” theo thẩm quyền, kẻ trốn lệnh truy nã đã thừa nhận toàn bộ hành vi giết người trong quá khứ.  
21 năm qua, gã đàn ông trai tráng lửa ghen ngùn ngụt năm xưa giờ đã thành một “ lão bị can” với mái tóc muối tiêu. Phạm Văn Trịnh nói rằng, tội ác nào rồi cũng phải chịu sự trừng phạt thích đáng, cả của pháp luật lẫn lương tâm. Bản thân hắn đã biết trước sẽ có ngày này nhưng lại không đủ bản lĩnh ra đầu thú. Giá như xưa kia hắn ra đầu thú, thì đã được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và biết đâu giờ đã thụ án xong, sống cuộc đời thanh thản chứ không phải ôm nỗi ân hận giằng xé trong những năm tháng cuối đời.
Được biết, hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Văn Trịnh về tội “Giết người”, tiếp tục điều tra làm rõ.
Trần Nguyên  

Đọc thêm