Kế hoạch tham vọng “nước Pháp mới”

Chính phủ Pháp mới công bố kế hoạch cải cách quy mô lớn nhằm vực dậy nền kinh tế sau thời gian dài chìm trong suy thoái. Đối mặt với hàng loạt áp lực kinh tế, đất nước này kỳ vọng sẽ xây dựng hình ảnh một “nước Pháp mới”, phục hồi vị trí cường quốc công nghiệp hàng đầu trong vòng 10 năm tới.

Chính phủ Pháp mới công bố kế hoạch cải cách quy mô lớn nhằm vực dậy nền kinh tế sau thời gian dài chìm trong suy thoái. Đối mặt với hàng loạt áp lực kinh tế, đất nước này kỳ vọng sẽ xây dựng hình ảnh một “nước Pháp mới”, phục hồi vị trí cường quốc công nghiệp hàng đầu trong vòng 10 năm tới.

Pháp dự kiến tập trung đầu tư vào các ngành công nghệ  cao. (Nguồn Express)
Pháp dự kiến tập trung đầu tư vào các ngành công nghệ cao.

Ngày 15/9, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1 (Pháp), Tổng thống Pháp François Hollande cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy tăng tưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức báo động.

Trước đó, Bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg đã đề xuất một kế hoạch cải cách quy mô lớn nhằm khôi phục nền công nghiệp trong nước. Theo đó, Pháp sẽ đồng loạt triển khai 34 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, đầu tư vào những ngành công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển như công nghệ tự động, công nghệ nano, các ngành tự động, chế tạo robot…

Dự kiến, trong 10 năm tới, nền công nghiệp sẽ mang lại cho nền kinh tế Pháp thêm 45 tỷ Euro, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thêm 18 tỷ Euro và tạo thêm khoảng 500.000 việc làm mới.

Chương trình này nhằm vực dậy nền công nghiệp sản xuất Pháp, đang ngày càng mất sức cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực như Đức, Italia, Tây Ban Nha…

Do bị đánh thuế cao nên các sản phẩm do Pháp làm ra không đủ sức cạnh tranh với các nhãn hàng từ nước ngoài. Trên thực tế, các sản phẩm mang xuất xứ gốc của Pháp có mức giá cao hơn từ 10 đến thậm chí 70% so với xuất xứ nước ngoài.

Ngay trong nước, hàng hóa do các doanh nghiệp Pháp sản xuất chỉ chiếm 11% thị phần, đứng sau các doanh nghiệp đến từ Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh…

Hơn nữa, chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất tại Pháp do Tổng thống Hollande phát động cũng không mang lại kết quả khả quan. Chương trình cải cách do ông Montebourg đề xuất và được Tổng thống Hollande ủng hộ, nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp.

Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đang ở mức 10,9%, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, trong khi mức nợ công năm 2014 được dự báo sẽ tương đương 96% GDP. Thêm vào đó, theo dự thảo ngân sách năm 2014 mới được công bố, Chính phủ Pháp đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 từ 1,2% xuống còn 0,9% và điều chỉnh mục tiêu thâm hụt ngân sách nhà nước từ 3,7% lên 4,1%.

Trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn thì kế hoạch trên của Chính phủ khiến nhiều người hoài nghi. Kết quả thăm dò của tờ Les Echos (Pháp) công bố đầu tháng 8-2013, có đến 70% số người Pháp được hỏi cho rằng kinh tế nước này tiếp tục suy giảm.

Áp lực lên Chính phủ Pháp ngày càng gia tăng khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso mới đây tuyên bố sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt Pháp nếu quốc gia này không đáp ứng được các cam kết tài chính đã đưa ra trước đó.

Trước đó, ông Olli Rehn - Cao ủy phụ trách vấn đề kinh tế và việc làm của EU, cho biết tuy Pháp vẫn đi đúng hướng trong nỗ lực kiểm soát nợ công, đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng, nhưng quốc gia này vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh và tạo thêm việc làm.

Ông Rehn đồng thời cảnh báo kế hoạch bù đắp phần chi tiêu ngày càng gia tăng cho các doanh nghiệp trong nước để tăng khả năng cạnh tranh, do Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đề xuất, chỉ làm tăng gánh nặng cho ngân sách mà không giúp tạo thêm việc làm.

Theo số liệu của Cơ quan thông kê quốc gia, nền kinh tế Pháp bất ngờ đạt mức tăng trưởng 0,5% trong quý II/2013 sau khi liên tiếp rơi xuống mức âm 0,1% trong ba quý trước đó. Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục trên cho thấy Pháp mới chỉ tạm thời thoát khỏi suy thoái kinh tế. Gánh nặng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, nền công nghiệp không đủ sức cạnh tranh… tiếp tục là những khó khăn mà “đất nước hình lục lăng” phải đối mặt trong thời gian tới.

Minh Ngọc (theo báo nước ngoài)

Đọc thêm