Kết cục buồn cho những cặp vợ chồng ham...vui

(PLO) - Quen nhau từ những bữa tiệc tùng, những chuyến đi chơi, họ nên duyên vợ chồng. Tưởng cùng chung đam mê, chung niềm vui thì cuộc sống sẽ lắm thú vị. Nhưng đời sống vợ chồng, không đơn giản chỉ là một cuộc vui mải miết cùng nhau.
Hoàng Oanh (quận 3, TP.HCM) và Nguyễn Thắng (quận 10, TP.HCM) cùng tham gia một câu lạc bộ chơi xe cổ. Câu lạc bộ quy mô không lớn, gói gọn trong phạm vi 50 người. Họ là những ngươi cùng sở thích, đam mê xe cổ, đều sở hữu xe cổ và hàng tuần đều có những buổi họp mặt, cùng nhau đi ăn uống, dã ngoại… Trong hội thì có đến hơn phân nửa là bén duyên với nhau, thành vợ thành chồng. Hoàng Oanh và Nguyễn Thắng cũng thế.
Gặp gỡ nhau tại câu lạc bộ, tâm đầu ý hợp, Oanh thường nhờ Thắng mỗi khi sơn sửa, độ xe,  trao đổi kiến thức về bảo dưỡng tân trang xe cổ, rồi yêu nhau hồi nào không hay. Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc của những thành viên câu lạc bộ. Ai cũng nói, đồng vợ đồng chồng, chắc cuộc sống vui lắm, rồi sẽ có một “thành viên nhí” nữa ra đời.
Nhưng đời sống vợ chồng không lý tưởng và luôn vui nhộn như những chuyến họp mặt của nhóm xe cổ. Lấy nhau rồi, cơm áo gạo tiền, những buổi họp mặt thưa vắng dần. Hoàng Oanh, với vai trò một người phụ nữ trong gia đình, sinh con rồi, tất bật mọi thứ, cô nguội lạnh hẳn với xe cộ. Còn Nguyễn Thắng thì không dứt ra khỏi niềm đam mê của mình. Vẫn như thời chưa vợ, anh có mặt đầy đủ ở những buổi họp nhóm, chuyến lên rừng xuống biển nào anh cũng cố gắng tham gia. 
Ở nhà, Hoàng Oanh tất bật chăm con một mình, lại nghĩ thấy tủi thân, chồng thì đi du sơn ngoạn thủy, rồi biết đâu lại phát sinh tình cảm với mấy em tre trẻ mới gia nhập hội. Thế là trách móc, dằn vặt, cấm đoán… Thế là cãi nhau triền miên. Sự mệt mỏi đã len vào giữa cuộc sống vợ chồng. Và Hoàng Oanh đã bắt đầu thấy hối tiếc…
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Kim Lan và Mạnh Tuấn (28 tuổi, TP.HCM) thuộc hai nhóm phượt khác nhau, gặp nhau trong một vài chuyến đi chung rồi kết hôn. Lấy nhau rồi, họ vẫn tích cực tham gia nhóm của mình. Cuộc sống vợ chồng cứ y như đang sống thử của hai người ở trọ chung nhà. Cứ cuối tuần là xách ba lô đi. Vợ lên núi chồng xuống biển, vợ đi Lào chồng sang Malaysia, cứ thế mà đi mải miết, thảng hoặc mới cùng nhau đi một chuyến, nhưng rồi lại chê “đi chung nhóm với vợ/ chồng mất cả tự nhiên”, lại tách nhau để vui chơi cho thoải mái. 
Gia đình hai bên đến là ngán ngẩm trước “cặp vợ chồng ham chơi” này. Đối với họ, bữa cơm nhà là xa xỉ, trong tuần thì rủ nhau đi khám phá chỗ nào có mon ngon, cuối tuần thì bận với hội phượt. Giỗ chạp lễ tết hai bên gia đình cũng không thấy tăm hơi con mình đâu. Cả dòng họ chỉ biết lắc đầu: Thà đứa ham vui, đứa nghiêm túc thì chúng nó còn kiềm chế, dung hòa lẫn nhau, đằng này cùng nhau chơi mút mùa, thì cái tổ ấm ra… tổ rác. 
Mà đúng thật, bước chân vào căn hộ của họ, người ta không thấy toát ra cái sự ngăn nắp êm ấm của đời sống vợ chồng. Thức ăn trong tủ lạnh toàn các món đóng hộp, lương khô. Nhìn quanh cũng chỉ thấy túi ngủ, ba lô, đèn soi… tứ phía, cứ như một căn gác trọ của những kẻ lãng du. Hễ người này nói đến địa điểm nào đẹp, nêu lên dự tính muốn đi, người kia không những không ngăn cản mà còn hào hứng tham gia… Họ còn trẻ, và có vẻ hài lòng với cuộc sống vợ chồng lạ lùng của mình. Hỏi đến con cái, cả hai đều nói bâng quơ: Chưa tính được, chừng nào mỏi gối chùn chân thì tính chuyện con cái sau…
Cũng cùng sở thích tụ tập hát hò, Quang Minh và Cẩm Tú (quận 10, TP.HCM) đã quen nhau trong một buổi guita. Lấy nhau rồi, ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng trở thành “trụ sở” của cả hội bạn. Căn nhà được quét sơn vàng, trang trí cổ điển và xinh xắn để tạo “cảm hứng” cho các nghệ sĩ không chuyên. Rồi đủ các nhạc cụ: guita, violin, măng đô lin, thùng gõ… Và hiếm khi nào vắng tiếng đàn bập bùng. Hết nhóm này đến nhóm khác, hàng đêm ngôi nhà chìm trong thứ âm thanh sống, trong men rượu của những “nghệ sĩ” này. 
Sáng ra, trước giờ đi làm, bao giờ hai vợ chồng cũng phải xúm vào dọn dẹp bãi “chiến trường” do đám bạn nhậu bạn hát để lại. Đến lúc Cẩm Tú có con, mọi thứ cũng không thay đổi. Nhà có em bé, thế nhưng tiếng xập xình vẫn vang lên hàng đêm. Xót cháu, sợ cháu ảnh hưởng không hay, bà ngoại phải sang đem cả mẹ lẫn con về chăm bẵm. Đến khi hết cữ, Cẩm Tú về nhà, vợ chồng lại chìm vào không khí hội hè, còn con thì giao hẳn cho bà ngoại trông nom, nuôi dưỡng.
Những cặp đôi như thế không phải là hiếm hoi trong cuộc sống hiện nay. Với nhiều người trẻ “thoáng” trong suy nghĩ, lấy vợ lấy chồng không phải là chấm dứt những cuộc vui mà họ đã quen thời độc thân. Kết hôn, với họ chỉ là thêm một người đến sống cùng, chia sẻ cùng mình thú vui của cuộc đời nhộn nhịp. 
Hoàng Oanh và Nguyễn Thắng đã ly hôn, vì Hoàng Oanh không thể nào thay đổi được bản tính ham vui đã ngấm vào trong máu. Cô ôm con về nhà mẹ đẻ. Vợ chồng Kim Loan - Mạnh Tuấn, Quang Minh – Cẩm Tú thì chơi mãi mà vẫn chưa thấy chán, chưa muốn dừng chân. 

Đọc thêm