Kết luận điều tra 'đại dự án' nuôi bò: 'Tay không' vẫn dễ dàng vay 2.600 tỷ

(PLVN) - Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà không đủ năng lực về tài chính lẫn năng lực thực hiện dự án, không đủ điều kiện để cấp tín dụng đối với các điều kiện ưu đãi nhưng vẫn dễ dàng vay được hàng ngàn tỷ đồng để làm dự án, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).   
Hà Tĩnh đã phải hy sinh hàng ngàn ha đất nông nghiệp nhường cho dự án 
của Bình Hà với kỳ vọng thay đổi nền nông nghiệp địa phương
Hà Tĩnh đã phải hy sinh hàng ngàn ha đất nông nghiệp nhường cho dự án của Bình Hà với kỳ vọng thay đổi nền nông nghiệp địa phương

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đưa ra trong kết luận điều tra (KLĐT) vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại BIDV, Cty Bình Hà, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Dũng. 

“Tay không bắt giặc”?

Theo KLĐT, tháng 3/2015, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương Dự án nuôi bò tại tỉnh Hà Tĩnh, cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh mà công ty thân hữu của ông là Công ty CP Tập đoàn An Phú (do con ông Hà, Trần Duy Tùng thành lập) tham gia, dưới sự bảo trợ vốn của BIDV. 

Nhưng sau đó ông Hà lại dùng 3 cá nhân không có năng lực tài chính và không có kinh nghiệm nuôi bò để vào ngày 10/4/2015, thành lập công ty “sân sau” là Bình Hà, với mức vốn điều lệ 200 tỷ, lập dự án nuôi bò từ tháng 4/2015, có tổng mức đầu tư 4.223 tỷ đồng để xin vay vốn tại BIDV thực hiện dự án. 

Theo điều tra, Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa hề có hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc DN chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả. 

Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án xác định có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả dự án; nhưng ông Hà lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT BIDV và lợi dụng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 14 ngày 5/3/2014 xây dựng chương trình cho vay thí điểm trong nông nghiệp và Quyết định số 1050 ngày 28/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết trên (khi Bình Hà chưa được tỉnh Hà Tĩnh đề nghị và NHNN đưa vào diện đối tượng được vay thí điểm).

Ông Hà vẫn chỉ đạo BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ thẩm định chung, Ban khách hàng doanh nghiệp, Ban quản lý rủi ro, Phân ban rủi ro tín dụng, HĐQT BIDV thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng và giải ngân cho Bình Hà vay từ ngày 18/8/2015 đến ngày 6/11/2017, tổng cộng 2.687 tỷ đồng với các điều kiện ưu đãi về vốn tự có và tài sản đảm bảo (sau đó dừng giải ngân do Bình Hà làm ăn thua lỗ tổng cộng 905,5 tỷ đồng) . 

Tổng dư nợ đến thời điểm CQĐT khởi tố vụ án (tháng 11/2018) của Bình Hà là 1.459 tỷ đồng (dư nợ dài hạn là 976 tỷ đồng và dư nợ ngắn hạn là 482 tỷ). Trong đó, trừ đi giá trị tài sản đảm bảo trên sổ sách, số dư nợ không có khả năng thu hồi là 890 tỷ.   

18 cá nhân được miễn trách nhiệm hình sự

Theo CQĐT, việc BIDV Hội sở và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho Bình Hà vay với các sai phạm trên đã gây thiệt hại cho BIDV hơn 890 tỷ, vi phạm khoản 4 Điều 206 BLHS 2015, khoản 1 Điều 206 BLHS sửa đổi, bổ sung 2017.

 CQĐT xác định trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm thuộc về cá nhân ông Hà (đã chết - NV). Và theo Quyết định thi hành kỷ luật số 775 ngày 2/7/2019 của UBKTTW, ông Hà cũng đã bị kỷ luật với hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV. 

Với 18 cá nhân có tham gia vào việc thẩm định, đề xuất phê duyệt cho vay và giải ngân, CQĐT đánh giá: Tuy mỗi người ở mỗi khâu nhưng mức độ thứ yếu, cơ bản không trực tiếp thẩm định và tiếp xúc với khách hàng; không được bàn bạc và không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho Bình Hà của ông Hà; bị ông Hà gây áp lực và áp đặt về thời hạn nên chỉ làm theo chức trách, nhiệm vụ được giao, thẩm định trên bề mặt hồ sơ do các cấp trình lên...

Những người này quá trình điều tra đã nhận rõ trách nhiệm và khai rõ hành vi của bản thân, đồng thời tích cực phối hợp với CQĐT để làm rõ vụ án, tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ và hạn chế mức thấp nhất hậu quả xảy ra... Vì vậy, áp dụng chính sách hình sự vận dụng điểm a và điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự, không xem xét xử lý đối với 18 cá nhân, chuyển NHNN kiến nghị xem xét và quyết định xử lý phù hợp.

4 đồng phạm với ông Trần Bắc Hà bị xử lý hình sự

Trước đó, ngày 22/11/2018 và 26/3/2019, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV và một số Chi nhánh; khởi tố bị can đối với ông Hà và 4 thuộc cấp được xác định là đồng phạm giữ các vị trí chủ chốt tại các khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân gồm: Ông Trần Lục Lang, Phó TGĐ phụ trách Quản lý rủi ro; ông Đoàn Ánh Sáng, Phó TGĐ phụ trách khách hàng doanh nghiệp; ông Kiều Đình Hòa, Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; bà Lê Thị Vân Anh, Trưởng phòng KHDN BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh. 

Ngày 14/8/2019, CQĐT Bộ Công an đã đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Bắc Hà do ông Hà bị tử vong do bệnh lý trong quá trình tạm giam tại Trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng. Quá trình điều tra đến nay, BIDV cũng đã nỗ lực phối hợp với CQĐT thu hồi thêm được 207 tỷ đồng nên tổng dư nợ gốc của Bình Hà còn 1.252 tỷ đồng và số tiền không thu hồi được hiện tại còn 683 tỷ.

Đọc thêm